Xuất khẩu giảm, Vinatex dồn lực đưa 25 triệu khẩu trang kháng khuẩn ra thị trường
4 min readÔng Cao Hữu Hiếu – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – đã thông tin như vậy trong buổi họp cung cấp thông tin về sản phẩm khẩu trang mới làm từ vải kháng khuẩn vừa đưa ra thị trường chiều 12-3.
Theo đó, hơn 1 tháng qua tổng lượng khẩu trang của Dệt kim Đông Xuân sản xuất hơn 7 triệu chiếc cung ứng trên thị trường. Tính tổng các đơn vị thành viên của Vinatex đã đưa ra thị trường là 25 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn, tương ứng với 500 tấn vải.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế về tiêu chuẩn khẩu trang vải phòng dịch tại cộng đồng, Vinatex đã yêu cầu các đơn vị thành viên là Dệt kim Đông Xuân và Dệt kim Đông Phương nghiên cứu, sản xuất sản phẩm khẩu trang vải, bao gồm lớp vải kháng khuẩn và vải dệt thoi xử lý chống thấm nước, với giá 12.000 đồng/chiếc.
Cũng theo ông Hiếu, việc đẩy mạnh sản xuất khẩu trang nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khẩu trang phòng chống dịch bệnh đang gia tăng hiện nay, còn giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về xuất khẩu trong bối cảnh nhà cung cấp nguyên liệu lớn nhất là Trung Quốc đi làm sau tết trễ 20 ngày, nên nguồn cung sản xuất gián đoạn.
Trong khi đó, nguyên liệu may khẩu trang vải kháng khuẩn có sẵn trong nước, nằm trong chuỗi khép kín may và không cần đến nguyên phụ liệu nào từ nhập khẩu, nên doanh nghiệp tận dụng cơ hội.
“Hiện nguyên phụ liệu đã bắt đầu được cung cấp ổn định trở lại, giúp doanh nghiệp duy trì đơn hàng xuất khẩu. Nhưng hiện nay vấn đề lo lắng của doanh nghiệp là cần phải bố trí sản xuất bù đắp lại thời gian từ 1 tuần đến 10 ngày bị trống đơn hàng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 của ngành phải giảm tới 5%, nhiều đơn vị đang phải cân đối lại kế hoạch sản xuất bù thời gian mất kia, kim ngạch rất thấp” – ông Hiếu nói.
Việc may khẩu trang cũng giúp một số doanh nghiệp bù đắp lại một phần doanh thu, nhưng ông Hiếu cho rằng hi vọng dịch qua nhanh để tình hình ổn định trở lại, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu.
“Tình hình này cũng là cơ hội để làm thước đo sức khỏe cho doanh nghiệp may tự sắp xếp lại chuỗi cung ứng khi chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều vào nơi cung ứng nguyên phụ liệu, nếu có vấn đề thì chủ động ứng phó thế nào, tìm sản phẩm, hướng đi mới phù hợp với năng lực nội tại của mình” – ông Hiếu nói.
Nguồn: tuoitre.vn