Vì sao có mưa đá to như quả trứng gà ở vùng núi phía Bắc?
5 min read
Mưa đá dồn dập xảy ra trong ngày 22 - 23.4 tại các tỉnh vùng núi phía Bắc. Nhiều khu vực ghi nhận có những viên đá to như quả trứng gà rơi xuống gây sát thương cho người dân.
Điểm ngưng kết càng gần mặt đất, hạt mưa đá càng lớn
Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, trong các ngày 22 – 23.4, mưa đá và giông lốc được ghi nhận xảy ra dồn dập ở các tỉnh vùng núi phía Bắc gồm Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng và Yên Bái. Đây là những trận mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nặng về người và tài sản nhất trong 7 đợt xảy ra từ đầu năm đến nay.
Trong đó, trận mưa đá với cường độ mạnh trút xuống các xã Bản Lang và Dào San (huyện Phong Thổ, Lai Châu) vào tối 23.4, với những viên đá lớn từ trên trời rơi xuống đã xuyên thủng, cắt đứt mái những ngôi nhà có mái lợp tôn, mái ngói bị vỡ vụn, hư hỏng nặng. Đặc biệt, tại xã Bản Lang, 1 người dân bị thương khi bị mưa đá rơi trúng đầu.
Trao đổi với Báo Thanh Niên sáng nay, 25.4, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho biết tháng 3 – 5 hàng năm là thời kỳ cao điểm mưa giông, mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh.
Nguyên nhân là lớp khí quyển chi phối thời tiết các tỉnh miền Bắc trong khoảng thời gian này thường khá ấm và ẩm. Khi có không khí lạnh tràn xuống gây ra sự xáo trộn, tranh chấp mạnh giữa khối khí khô, lạnh từ phía Bắc với khối khí ấm, ẩm ở nước ta tạo điều kiện cho các đám mây đối lưu phát triển mạnh gây ra giông lốc, mưa đá, sét.
Cũng theo ông Trần Quang Năng, để hình thành những trận mưa đá cường độ mạnh, hạt mưa đá kích thước lớn thường phải hội tụ 2 yếu tố. Thứ nhất, dòng đối lưu phát triển càng mạnh sẽ hình thành đám mây đối lưu với kích thước lớn. Mây đối lưu càng lớn thì mưa đá càng mạnh và có thời gian kéo dài.
Điều kiện thứ hai để quyết định hạt mưa đá to hay nhỏ phụ thuộc vào khoảng cách của mực ngưng kết với mặt đất. Mực ngưng kết trên khí quyển là điểm nhiệt độ ở ngưỡng 0 độ C, đủ điều kiện để tạo băng, hình thành các hạt đá. Khi chịu tác động của không khí lạnh, mực ngưng kết càng hạ thấp so với mặt đất thì khi đó hạt mưa đá giữ được lâu hơn.
“Nếu mực ngưng kết ở càng cao so với mặt đất thì khi hạt mưa đá rơi xuống chịu tác động của gió, nhiệt độ và các yếu tố xung quanh, hạt đá sẽ bị giảm kích thước khi rơi xuống mặt đất. Ngược lại, mực ngưng kết càng ở gần mặt đất thì thời gian rơi xuống đất ngắn, hạt đá ít chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài nên viên đá rơi xuống cũng to hơn”, ông Năng nói.
39 trận giông lốc, mưa đá, sét trong tháng 4
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, từ đầu tháng 4 đến nay đã ghi nhận xảy ra 39 trận giông lốc, mưa đá, sét chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Trung bộ.
Trong đó, có 3 đợt xảy ra trên diện rộng gồm, đợt 1 từ ngày 10 – 12.4 tại các tỉnh miền núi phía Bắc; đợt 2 từ ngày 12 – 14.4 tại các tỉnh Trung bộ và đợt 3 từ 22 – 23.4 tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Mưa đá, giông lốc, mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét đã làm 6 người chết, thiệt hại kinh tế trên 160 tỉ đồng. Trong đó, riêng đợt mưa lớn kèm giông lốc, mưa đá từ 22 – 23.4 tại các tỉnh vùng núi phía Bắc đã gây thiệt hại khoảng 79,5 tỉ đồng.
Cũng theo ông Năng, ngoại trừ đợt mưa đá xảy ra trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý, thì trong tháng 3 và tháng 4, trung bình mỗi tháng xảy ra 3 đợt mưa giông, mưa đá trên diện rộng.
Dự báo, trong khoảng cuối tháng 4 đến hết tháng 5 vẫn là thời kỳ cao điểm thời tiết chuyển mùa từ mùa lạnh sang mùa nóng nên nguy cơ giông lốc, sét, mưa đá tiếp tục có khả năng rất cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi và trung du Bắc bộ.
“Người dân cần liên tục theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan khí tượng thủy văn từ T.Ư đến địa phương để có thể nắm bắt được những thay đổi mới nhất của thời tiết, nhằm chủ động có biện pháp ứng phó, phòng tránh thiên tai”, ông Năng khuyến cáo.
Nguồn: thanhnien.vn