Trung Quốc ngang ngược đặt tên đảo, lập quận Tây Sa, Nam Sa trên Biển Đông
7 min readĐộng thái trên diễn ra liền sau khi Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa để “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Thông qua những hành động quấy nhiễu Biển Đông liên tục gần đây, trên cả thực địa lẫn giấy tờ hành chính, rõ ràng Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp pháp hóa yêu sách đường chín đoạn (đường lưỡi bò) phi pháp.
Ngang nhiên đặt tên cho hàng chục đảo, thực thể trên Biển Đông
Hoàn Cầu thời báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết các “danh xưng tiêu chuẩn” được công bố ngày 19-4 sẽ áp dụng cho “25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông”.
Ngoài việc tự tiện đặt tên cho các thực thể này, Trung Quốc cũng công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể. Nhiều đảo đá và thực thể này xuất hiện ở phần phía tây Biển Đông và nằm dọc theo “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra.
Điều này vô tình giúp giới chuyên gia xác định được vị trí chính xác các đảo, đá và thực thể mà Trung Quốc ngang ngược cho rằng thuộc quyền tài phán của họ.
Đáng chú ý, trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Một ngày trước đó (18-4), Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) loan tin Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”.
Đây là “đơn vị hành chính” mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý “Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”.
Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam
Tối 19-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng trước việc Trung Quốc thông báo thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới” – bà Hằng nêu rõ.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai” – bà Hằng khẳng định.
Theo TS Nguyễn Thành Trung – giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, những động thái mới nhất của Trung Quốc không thay đổi hiện trạng trên Biển Đông nhưng là một phần trong nhiều bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền và hợp thức hóa việc chiếm giữ các đảo, thực thể trên Biển Đông, đồng thời áp dụng chiến thuật giữ xung đột ở cường độ thấp.
“Thông điệp mà Bắc Kinh muốn nhắn tới toàn thế giới đó là Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ những gì mà họ đã chiếm đóng trên Biển Đông.
Tất cả những gì Bắc Kinh sẽ làm sắp tới đều nhằm hợp pháp hóa việc chiếm giữ đó. Do đó đừng nên đặt quá nhiều niềm tin vào những gì Trung Quốc hứa, bao gồm cả Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)” – TS Trung nói.
Ngụy biện lịch sử
Bất chấp các phản ứng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục phổ biến các yêu sách chủ quyền vô căn cứ và lập luận như thể mình là nạn nhân của tình trạng không tuân thủ luật quốc tế.
Hôm 17-4, trong công hàm gửi lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã ngang ngược cáo buộc Việt Nam “đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp”.
Công hàm do phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đệ trình còn nhấn mạnh Bắc Kinh đã liên tục “phản đối sự xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam” trước khi lớn tiếng “yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp”.
Trên thực tế Trung Quốc luôn nói một đằng, làm một nẻo. Trong văn bản ngày 17-4, Bắc Kinh đã không ngượng miệng và đổi trắng thay đen lịch sử như vẫn thường làm.
Thực tế là: Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng vũ lực để kiểm soát và chiếm đóng trái phép các đảo, đá trên Biển Đông. Trong số đó phải kể đến trận chiến ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã xua tàu chiến chiếm đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thực tế là Trung Quốc đã tàn sát 64 chiến sĩ Việt Nam để chiếm bãi Gạc Ma và coi thường luật pháp quốc tế, các nguyên tắc được đề ra trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc mà Bắc Kinh là một bên phê chuẩn.
Năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên cải tạo Gạc Ma thành đảo nhân tạo và biến nó thành một tiền đồn quân sự phục vụ cho các yêu sách chủ quyền vô lý của mình trên Biển Đông.
Nguồn: tuoitre.vn