Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ cảm xúc khi đến với huyện đảo Bạch Long Vĩ
8 min readSáng 14/11, trong chương trình công tác tại Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã ra thăm, khảo sát cuộc sống của cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện cũng như toàn thể nhân dân huyện đảo.
Đã 31 năm kể từ ngày thành lập huyện đảo Bạch Long vĩ, từ một hòn đảo hoang vu, cằn cỗi thành đảo xanh, sạch, đầy sức sống, bến tàu, cầu cảng tấp nập, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng hoàn thiện. Kết quả này là một quá trình gian truân lao động, cống hiến không ngừng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên ông đến với Bạch Long Vĩ, một chuyến thăm mà cá nhân ông mong muốn từ lâu. Tổng Bí thư đánh giá đảo nguyên sơ mà rất đẹp.
Nếu đánh giá đảo Bạch Long Vĩ từ các khía cạnh như điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa và lịch sử, từ yếu tố quân sự quốc phòng có thể thấy đảo có vị trí vô cùng quan trọng, mang tầm chiến lược cả về chủ quyền trên biển, quốc phòng, an ninh và tiềm năng lớn phát triển kinh tế biển.
Đảo Bạch Long Vĩ có vai trò là cửa ngõ, án ngữ kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, có vai trò là trung tâm hậu cần và trung chuyển cho các hoạt động quân sự trên biển, một tiền đồn kiểm soát an ninh trật tự trên biển. Vùng biển Bạch Long Vĩ là một trong 8 ngư trường lớn của vịnh Bắc Bộ, hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú.
Tổng Bí thư chỉ rõ, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Từ thực tế tiềm năng, vị thế và lợi thế của Bạch Long Vĩ, Tổng Bí thư đề nghị, thành phố Hải Phòng, huyện Bạch Long Vĩ cần suy nghĩ về kế hoạch và cách làm cụ thể để biến nơi đây trở thành pháo đài bảo vệ vùng biển, vùng trời của ta trên vịnh Bắc Bộ; thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển nuôi trồng thủy hải sản và thu hút khách du lịch, như tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư gợi mở một số vấn đề để Hải Phòng nghiên cứu, thực hiện. Cụ thể, cần quy hoạch tốt vùng quân sự, vùng kinh tế và vùng sinh thái để có phương hướng đầu tư đồng bộ về hạ tầng như, hạ tầng năng lượng, giao thông, viễn thông, công trình quân sự, công trình hạ tầng nghề cá, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nơi tránh trú bão, đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó, huyện tiếp tục củng cố an ninh quốc phòng biển đảo, chú ý sự gắn kết thế trận liên hoàn về an ninh quốc phòng giữa các đảo nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên diễn tập chiến đấu, cứu hộ cứu nạn; rèn luyện bản lĩnh vững vàng, kỹ năng tinh thông của người lính nơi đầu sóng ngọn gió; luôn có tinh thần chủ động, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.
Hải Phòng xây dựng Bạch Long Vĩ thành khu vực phòng thủ vững chắc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan tổng kết chiến lược phát triển Khu kinh tế quốc phòng khu vực biển đảo, nhân rộng mô hình, phát huy kinh nghiệm và truyền thống của ông cha trong việc kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tổng Bí thư lưu ý đến vấn đề kiến tạo sức sống mới cho đảo, tiếp tục trồng cây xanh, xây hồ trữ nước ngọt, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học của biển đảo; đưa thêm lực lượng tình nguyện đến đảo, thu hút giáo viên, bác sĩ đến đảo lập nghiệp. Đồng thời gia cường các nền tảng xã hội, không ngừng củng cố mối đoàn kết cấp ủy, chính quyền, các lực lượng và nhân dân trên đảo.
Đặc biệt phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.
Về kiến nghị phát triển điện gió ngoài khơi; bồi đắp, kè mở rộng đảo của huyện, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn xác định cụ thể, tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển hạ tầng quân sự và dân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển, đảo.
Đối với phát triển kinh tế biển đảo Bạch Long Vĩ, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần bám sát Nghị quyết 45, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Hải Phòng phải quyết tâm xây dựng đảo Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn trên biển khu vực phía Bắc, phát triển nuôi trồng hải sản cao cấp, phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bảo tồn hệ sinh thái biển đảo.
Theo báo cáo của lãnh đạo địa phương, Bạch Long Vĩ là đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ, cách đường phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc 15 hải lý, cách Hòn Dáu (Đồ Sơn – Hải Phòng) 110km.
Huyện Bạch Long Vĩ được thành lập ngày 9/12/1992, trực thuộc thành phố Hải Phòng. Dân số huyện đảo chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nguồn: dantri.com.vn