VN Trends

Mọi người đang quan tâm điều gì ?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tập trung gỡ điểm nghẽn thể chế

8 min read
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng pháp luật đã kéo dài nhiều năm để tránh lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp 8 Quốc hội khóa 15 sáng 21/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp quan trọng của Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội thời gian qua có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn, phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với chức năng lập pháp, giám sát. Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ ban hành nhiều chính sách có ý nghĩa với sự phát triển của đất nước, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là trong thời điểm khó khăn như Covid-19. Đối ngoại Quốc hội được mở rộng với nhiều hoạt động nổi bật, được bầu vào nhiều vị trí quan trọng tại các diễn đàn lớn và uy tín trên thế giới.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; chưa tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.

Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm. Còn tình trạng chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp.

“Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Video Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
 
 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp 8 Quốc hội khóa 15. Video: Truyền hình Quốc hội

Vì vậy, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đề nghị đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trước hết là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.

Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Các cơ quan tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, cùng với cải cách triệt để thủ tục hành chính; xây dựng hành lang pháp lý cho những xu hướng mới như cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Quốc hội cần thực hiện tốt hơn chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn, tránh trùng với hoạt động của cơ quan Nhà nước khác, gây lãng phí; nâng cao hoạt động chấn vấn, giải trình, giám sát văn bản pháp luật. Quy trình quyết định ngân sách cũng cần đổi mới, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách.

Đại biểu dự phiên khai mạc kỳ họp 8 Quốc hội khóa 15. Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu dự phiên khai mạc kỳ họp 8 Quốc hội khóa 15. Ảnh: Media Quốc hội

Ông cũng đề nghị Quốc hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt. Hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải “đúng vai, thuộc bài”; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia.

Quốc hội và đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu, đóng góp tích cực, quan trọng xây dựng thể chế phát triển của đất nước với tinh thần “đổi mới, cải cách, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Việt Nam đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp cách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội”, ông nói và đề nghị Quốc hội, đại biểu phát huy trách nhiệm, đổi mới, bứt phá hoàn thành xuất sắc trọng trách.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết kỳ họp thứ 8 có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.”Dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân rất quan tâm”, ông Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: Media Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: Media Quốc hội

Ông Mẫn cho biết Quốc hội sẽ chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để cá nhân, cơ quan; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Nguồn: vnexpress.net

Chia sẻ ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Categories