‘Tiếng gọi nơi hoang dã’ – ấm lòng, nhưng chưa đủ gai góc
7 min readThể loại: Tâm lý, phiêu lưu
Đạo diễn: Chris Sanders
Diễn viên: Harrison Ford, Dan Stevens, Omar Sy, Karen Gillan
Zing.vn đánh giá: 7/10
Ra đời từ năm 1903, tác phẩm Tiếng gọi nơi hoang dã (tựa gốc: The Call of the Wild) do Jack London sáng tác kể lại chuyến hành trình của chú chó to lớn tên Buck từ những ngày còn được nuông chiều trong một mái ấm nơi miền nam nước Mỹ, rồi bị bắt trộm và đưa lên tận vùng Alaska lạnh giá xa xôi, và trải qua biết bao sóng gió cho tới ngày tìm thấy “mái nhà” thực sự.
Phiên bản điện ảnh chuyển thể năm nay đã kể đúng trình tự của nguyên tác. Buck bị bắt trộm, trở thành chú chó kéo xe đưa thư, rồi được cứu bởi ông già tên John Thorton (Harrison Ford).
Một người, một chó cứ thế cùng nhau đi khám phá những miền non xanh nước thẳm, cho tới khi Buck có cơ hội trở về nơi hoang dã. Những tình tiết ấy là xương sống của tác phẩm văn học, và đồng thời là xương sống cho bộ phim điện ảnh. Nhưng lớp “da thịt” đắp lên bộ xương ấy lại mang đến cho hai phiên bản những diện mạo tương đối khác biệt.
Trên màn ảnh lớn, khán giả chứng kiến mối quan hệ giữa ông già John và Buck được xây dựng với mối nhiều duyên nợ. Ngay lần đầu tiên gặp mặt, Buck đã giúp John tìm lại món đồ trân quý mà ông không hề biết bản thân đã đánh mất.
Lần thứ hai, Buck giúp John kịp gửi lá thư về nhà nhân dịp sinh nhật con trai. Đến lần thứ ba, John cứu mạng Buck trong gang tấc… Cứ thế, người xem được dẫn dắt để nhanh chóng tin tưởng và đồng cảm với sự gắn bó giữa hai nhân vật.
John Thorton trong phim là một ông già cô độc, ngày ngày nhấm nháp rượu mạnh cùng nỗi tiếc thương đứa con trai chết trẻ. Ông xuất hiện với vai trò san sẻ gánh nặng “nhân vật trung tâm” với Buck – chú chó khốn khổ bị cướp khỏi gia đình thương yêu nó, phải chịu những tra tấn và cực khổ khôn cùng.
Cứ như thể, khi tiếng gọi của hoang dã lớn dần trong trái tim chú chó tinh khôn, và câu chuyện dắt người xem đi sâu hơn vào những cánh rừng, thì bộ phim cần một đối trọng đủ mạnh để giữ người xem ở lại phía bên này của ranh giới “văn minh”.
Do đó, cả Buck và John đều kể cùng một câu chuyện. John nhìn thấy sự lạc lõng của bản thân trong sự lạc lõng của Buck. Và Buck, với bản năng của một chú chó, lập tức đồng nhất hình ảnh John với người chủ cũ của mình. Cả hai câu chuyện riêng rẽ ấy cộng hưởng với nhau, để bức thông điệp của bộ phim vang lên, một cách rõ ràng và rành mạch nhất, với khán giả.
Hai tâm hồn tổn thương tìm thấy nơi nương tựa, đồng hành trong chuyến du hành xuyên qua những cánh rừng xanh, những đồng cỏ rực rỡ cỏ hoa trong nắng hè, hay những con sông gập ghềnh nước xiết, để tìm cách rũ bỏ cuộc sống cũ đã giày vò họ. Đó là chuyến hành trình chữa lành, và một công thức luôn giúp chiến thắng trái tim khán giả.
Tuy nhiên, bộ phim với những “nguyên liệu” cũ được “xào nấu” lại cho vừa khẩu vị khán giả hiện đại tỏ ra quá êm ả, quá nhân từ với các nhân vật. Tác phẩm điện ảnh không có được sự dữ dội và khắc nghiệt như những gì công chúng từng nhớ về cuốn tiểu thuyết gốc của Jack London. Buck bị bắt trộm, bị đày đoạ giữa chốn xa lạ, nhưng khán giả sẽ luôn thấy, bằng cách này hay cách khác, chú chó giành được sự yêu mến và nuông chiều.
Buck thậm chí còn không ít lần được sắm vai anh hùng, như lần giải thoát bầy đàn của mình khỏi tên chủ tướng xấu xa, hay khi cứu cả đàn chó và hai người đưa thư thoát khỏi vụ tuyết lở, rồi lúc cứu mạng con sói đầu đàn giữa dòng nước chảy xiết… Theo đó, Buck trong câu chuyện của năm 2020 dường như mới chỉ là một chú chó đang háo hức khám phá sức mạnh và những bản năng đang say ngủ trong bản thân.
Độ lùi thời gian 116 năm có lẽ cũng là một lực cản khiến bộ phim không thể chuyển thể trọn vẹn tinh thần của nguyên tác. Năm 2020, không ai muốn theo dõi cảnh động vật bị đánh đập trên màn ảnh. Khán giả lại càng sợ hãi với những bộ phim mà trong đó, sẽ có một chú chó, con mèo hay bất cứ loài động vật nào (trừ con người), bị giết hại.
Do vậy, trong Tiếng gọi nơi hoang dã, những phân cảnh sóng gió trong cuộc đời Buck đều được thể hiện một cách “ước lệ”. Khi Buck bị đánh, đó sẽ là chiếc bóng đổ lên tường, chiếc dùi cui vung lên… Thậm chí, bộ phim còn “phân biệt đối xử” tới độ, chỉ có nhân vật phản diện mới được dùng roi để điều khiển chiếc xe chó kéo hay chĩa súng doạ bắn Buck.
Về tổng thể, Tiếng gọi nơi hoang dã vẫn là một bộ phim đẹp đẽ, dễ xem, và dễ gây mủi lòng khi khắc hoạ tình yêu giữa một người đàn ông cô độc và một chú chó lạc đàn. Và đâu đó giữa các tình tiết, người xem sẽ thấy bóng dáng tiếng gọi của hoang dã cất lên bên trong trái tim Buck khi sống giữa thiên nhiên bao la.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Nguồn: news.zing.vn