VN Trends

Mọi người đang quan tâm điều gì ?

Ông Trump mạnh tay với WHO, lợi bất cập hại?

8 min read
VNT - Việc Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố cắt tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khiến dư luận sửng sốt. Nhiều ý kiến cảnh báo, đây là quyết định "lợi bất cập hại" giữa lúc đại dịch Covid-19 càn quét toàn cầu.

Các cựu quan chức Dân chủ lẫn Cộng hòa từng tham gia xử lý khủng hoảng y tế dưới thời các chính quyền Mỹ trước đây cho rằng, động thái mạnh tay của ông Trump có thể làm trầm trọng hóa tình hình hiện tại, cũng như khiến Mỹ mất thêm nhiều sinh mạng vì sự tác oai, tác quái của virus corona chủng mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Theo họ, WHO đóng một vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho các nước đang phát triển về các vấn đề y tế và khủng hoảng liên quan. Việc cắt giảm ngân sách của cơ quan này có thể khiến đại dịch Covid-19 diễn tiến vượt ra ngoài tầm kiểm soát ở những khu vực như vậy và đưa mầm bệnh nguy hiểm quay trở lại các nước phát triển đã ngăn chặn nó thành công. Mỹ hiện là nước đóng góp nhiều nhất cho tổ chức y tế lớn nhất hành tinh, tới 400 – 500 triệu USD/năm, tương đương khoảng 15% ngân sách hoạt động của WHO.

Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm phát triển toàn cầu Mỹ, người từng chịu trách nhiệm điều phối các biện pháp ứng phó của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đối với sự bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi, nhấn mạnh: “Nếu chúng ta giáng một cú đấm vào WHO, chúng ta rốt cuộc sẽ tự đấm vào mặt mình… Chừng nào còn có ‘đám cháy’ dịch bệnh như hiện nay bùng phát ở đâu đó trên thế giới, tất cả chúng ta đều dễ bị tổn hại vì lửa phát tỏa. WHO thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc dập tắt những đám cháy ấy. Chúng ta nên khuyến khích họ làm việc đó, hơn là khơi mào các cuộc chiến với họ”.

Hôm 14/4, lý giải về quyết định sẽ tạm ngưng chu cấp tài chính cho WHO, Tổng thống Trump đổ lỗi cho WHO về những thất bại trong cách ứng phó với đại dịch, kể cả không hoàn thành tốt trách nhiệm cơ bản là điều tra các báo cáo ban đầu phát đi từ Trung Quốc để đảm bảo chia sẻ kịp thời, chính xác thông tin về mối đe doạ y tế. Ông đồng thời cáo buộc WHO “dung túng, thiên vị” Trung Quốc, dù nước này chỉ đóng góp cho cơ quan khoảng 40 triệu USD/năm, bằng 1/10 của Mỹ.

Tuy nhiên, các cựu quan chức Mỹ cho rằng, bất cập trên bắt nguồn từ chính cấu trúc và sứ mệnh trung lập của WHO.

Theo Jack Chow, cựu Đại sứ Mỹ về HIV/AIDS toàn cầu dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush và từng giữ chức Trợ lý Tổng giám đốc WHO, cơ quan này đã bị suy yếu do thiếu ngân sách hoạt động suốt nhiều thập kỷ. Thực tế khiến WHO “phải tuân theo các chính sách và ưu đãi của các nhà tài trợ”.

“Cấu trúc dựa vào Liên Hợp Quốc làm cho chính sách ngoại giao của WHO trở nên chậm chạp và quan liêu, do các động lực chính trị của Liên Hợp Quốc thường can thiệp vào cách WHO ra quyết định. Do Trung Quốc nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an nên nước này có thêm ảnh hưởng xuyên suốt hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc, kể cả WHO. Việc WHO điều chỉnh các phản ứng theo Trung Quốc phản ánh sự công nhận của cơ quan về tác động của nước này trong gần như tất cả các lĩnh vực chiến lược”, ông Chow chia sẻ trên tạp chí Business Insider.

Vì vậy, ông Chow nhận định, lãnh đạo Nhà Trắng có thể đã giúp Trung Quốc có thêm ảnh hưởng với WHO thông qua cách cắt giảm tài trợ cho cơ quan.

Trong khi đó, ông Konyndyk lưu ý, WHO là tổ chức quốc tế được lập ra để phục vụ các nước thành viên, dù đó là Mỹ, Trung Quốc hay CH Congo. WHO không thể đơn phương chỉ trích các quốc gia thành viên hoặc có quyền ra lệnh buộc các chính phủ thực thi nhiệm vụ gì đó, kể cả công khai thông tin dịch bệnh.

Nhiều nhà quan sát khác chỉ ra rằng, quyết định mới của Tổng thống Trump thực tế phù hợp với góc nhìn hoài nghi các tổ chức quốc tế của ông, từ rất lâu trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm từng đặt câu hỏi về việc Mỹ phải đóng góp cho Liên Hợp Quốc, đơn phương rút Mỹ khỏi các thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu hay lên án Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy đến từ bang Connecticut, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nói, dù WHO và Trung Quốc “có thể đã phạm sai lầm”, nhưng Tổng thống Trump dường như cũng đang tìm cách đẩy lui búa rìu dư luận chĩa vào chính quyền của ông khi Mỹ trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm (hơn 600.000 người) và tử vong (hơn 26.000 người) vì virus corona chủng mới. Washington đã hứng chịu vô số lời chỉ trích về cách ứng phó với dịch bùng phát.

Cả ông Murphy và ông Konyndyk tin rằng, WHO có thể là đối tượng “giơ đầu chịu báng” trong cuộc chiến đổ lỗi của ông Trump. Các chính khách này nêu rõ, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng vì dịch Covid-19 vào ngày 30/1, hơn một tháng trước khi ông Trump tuyên bố sắc lệnh khẩn cấp quốc gia về dịch ở Mỹ. Động thái của lãnh đạo Nhà Trắng cũng diễn ra 2 ngày sau khi WHO chính thức coi Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Vài ngày trước khi ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách xuất phát từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, ông Trump hôm 24/1 thậm chí đã lên tiếng khen ngợi công tác dập dịch của Bắc Kinh. Trong cuộc họp báo hôm 7/4, Tổng thống Mỹ cũng thú nhận cách đó 1 – 2 ngày mới đọc hai bản lưu ý do Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro đệ trình hồi tháng Một, trong đó ông Navarro nêu bật các mối đe dọa của dịch Covid-19.

Các chính khách trên và nhiều nhà quan sát khác thống nhất rằng, dù bất đồng và không hài lòng với WHO đến mức nào, việc đột ngột cắt tài trợ dành cho WHO có thể là “sai lầm lớn” của ông Trump. Quyết định được tin có thể gây ra thêm một cuộc khủng hoảng nữa giữa lúc thế giới đang ở trong một giai đoạn cam go của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đe dọa các lợi ích quốc gia của chính nước Mỹ.

Trong tuyên bố phát đi vài tiếng sau quyết định gây sốc của ông Trump, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định, WHO cùng hàng ngàn nhân viên đang chiến đấu với cuộc khủng hoảng y tế ở tuyến đầu và rất cần sự ủng hộ.

Theo ông Guterres, sẽ có rất nhiều cơ hội “để nhìn lại nhằm hiểu rõ đầy đủ cách Covid-19 xuất hiện như thế nào và cách tất cả các bên liên quan phản ứng ra sao trước cơn khủng hoảng… khi chúng ta rốt cuộc vượt qua được đại dịch này”. Ông Guterres khẳng định “hiện chưa phải là lúc” làm điều đó.

Tuấn Anh

Nguồn: vietnamnet.vn

Chia sẻ ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Categories