Ông Trump cảnh báo đòi lại Kênh đào Panama, nước chủ nhà phản ứng gắt
4 min readNgày 22-12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cáo buộc Panama tính phí quá cao cho việc sử dụng Kênh đào Panama, đe dọa sẽ lấy lại quyền kiểm soát của Mỹ đối với kênh đào này, theo hãng tin Reuters.
“Có ai từng nghe nói đến Kênh đào Panama không? […] Bởi vì chúng ta đang bị lừa ở Kênh đào Panama giống như chúng ta đang bị lừa ở mọi nơi khác” – ông Trump phát biểu tại sự kiện thường niên AmericaFest ở bang Arizona, do nhóm vận động tranh cử Turning Point Action tổ chức.
Tổng thống đắc cử Trump nhấn mạnh rằng mức phí mà Panama áp dụng cho việc lưu thông qua kênh đào “thật vô lý và cực kỳ bất công”.
Ông Trump cũng chỉ ra rằng thỏa thuận năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter về việc chuyển giao kênh đào từ Mỹ sang Panama có những điều khoản đòi hỏi Panama phải đối xử công bằng với Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Panama “đã không đối xử công bằng với chúng ta”.
“Cả về mặt đạo đức và pháp lý, nếu các nguyên tắc cử chỉ hào phóng này không được tuân thủ thì chúng ta sẽ yêu cầu trả lại Kênh đào Panama cho chúng ta, toàn bộ, nhanh chóng và không cần thắc mắc” – Tổng thống đắc cử Trump nói.
Phát biểu trước đám đông người ủng hộ, ông Trump cũng cho biết ông sẽ không để kênh đào rơi vào “tay kẻ xấu”, đồng thời cảnh báo về khả năng Trung Quốc gây ảnh hưởng đến tuyến đường thủy quốc tế huyết mạch này.
Phản ứng trước các tuyên bố trên của ông Trump, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cùng ngày đã lên tiếng khẳng định nền độc lập của Panama là không thể thương lượng và Trung Quốc không có ảnh hưởng gì đến việc quản lý kênh đào.
Ông Mulino cũng cho biết mức phí lưu thông qua kênh đào mà Panama đang áp dụng không được thiết lập “theo ý thích”.
“Mỗi mét vuông của Kênh đào Panama và khu vực xung quanh đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về [Panama]” – ông Mulino nhấn mạnh.
Một số chính trị gia khác của Panama, bao gồm các thành viên phe đối lập, cũng chỉ trích phát biểu của ông Trump.
Kênh đào Panama là một trong những công trình giao thông quốc tế quan trọng, cho phép tới 14.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm, tương đương 2,5% thương mại hàng hải toàn cầu. Kênh đào này cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Mỹ tới châu Á và nhiều khu vực khác.
Việc xây dựng kênh đào Panama bắt đầu vào năm 1904 dưới thời Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt.
Sau hàng thập niên xây dựng và quản lý lãnh thổ xung quanh, quyền kiểm soát kênh đào đã được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter.
Nguồn: plo.vn 23/12/2024 7:01