Ông Trịnh Văn Quyết được vợ nộp khắc phục thêm 353 tỷ đồng
1 min readHôm nay, gần 6 tháng sau bản án sơ thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo.
7h25, các bị cáo được dẫn giải đến tòa, song ông Quyết chưa xuất hiện.
Tại phần thủ tục, theo báo cáo của thư ký, nhiều bị cáo vắng mặt, trong đó ông Quyết có đơn xin hoãn. 5 luật sư của ông tại phiên phúc thẩm cũng có đơn xin hoãn xét xử.
Báo cáo về sự vắng mặt của ông Quyết theo yêu cầu của chủ tọa, cảnh sát tư pháp cho hay trại tạm giam và Bệnh viện 198 xác nhận cựu chủ tịch FLC đang điều trị nội trú do ho ra máu, viêm gan thận, dạ dày…, chưa đủ điều kiện ra viện.
Trong đơn xin tòa phúc thẩm hoãn xét xử, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho hay trong 6 tháng qua vợ ông đã nộp khắc phục thêm 353 tỷ đồng. Ông nói do sức khỏe “rất xấu” và các luật sư đều có đơn xin hoãn do vướng lịch công tác hoặc trùng xét xử vụ án khác. Lý do cuối cùng, ông Quyết xin có thêm thời gian để tiếp tục khắc phục tối đa hậu quả của vụ án.
Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ ông Quyết đã nộp khắc phục hai lần, tổng cộng 353 tỷ đồng. Điều này được HĐXX ghi nhận, thông báo tại phiên phúc thẩm.
Trước sự vắng mặt của ông Quyết và nhiều thành phần khác, tòa tổ chức biểu quyết công khai. Phần lớn luật sư và toàn bộ bị cáo có mặt đều đồng ý hoãn.
Về phía 140 nhà đầu tư có mặt với tư cách bị hại và người có quyền lợi liên quan, chỉ hai người đồng ý hoãn.
Trước khi hỏi ý kiến VKS, chủ tọa phân tích, để mở được phiên phúc thẩm, riêng việc đóng dấu, gửi 1.000 công văn, giấy mời cho các thành phần được triệu tập, tòa đã mất tới 7 ngày làm việc của 5 nhân sự.
“Chi phí để các giấy này đến tay người cần nhận là 7-12 nghìn đồng mỗi chiếc. Đấy là mới nói chi phí rất đơn giản, chưa tính công tác dẫn giải, lực lượng an ninh… thì lên tới bao nhiêu, xin quý vị nhẩm tính giúp. Đó đều là tiền Ngân sách. Tòa nói vậy để mọi người hiểu và thấu hiểu, không ai muốn mở ra để hoãn, ai cũng muốn xử ngay để tiết kiệm ngân sách, vì không chỉ các vị vất vả sắp xếp thời gian đi lại”, chủ tọa nói.
Sau khi đại diện VKS ủng hộ phương án hoãn, HĐXX hội ý và ra thông báo hoãn phiên tòa. Ngày mở lại phiên phúc thẩm chưa được ấn định.
Trong 50 bị cáo, cựu chủ tịch FLC và hai em gái xin giảm án tù, mức tiền bồi thường hoặc xin được miễn trách nhiệm bồi thường. 45 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin chuyển án tù sang án treo và miễn, giảm tiền bồi thường.
Hai người kháng cáo toàn bộ bản án là bị cáo Lê Văn Tuấn (kiểm toán viên Công ty CPA) và Đỗ Như Tuấn (cựu tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros – Công ty Faros).
Trong 134 bị hại kháng cáo, chỉ 5 người có mặt, 35 người có đơn xin hoãn, còn lại vắng mặt.
Tòa triệu tập 384 người có quyền nghĩa vụ liên quan song 135 người có mặt, 85 có đơn xin xét xử vắng mặt, những người khác không tới phiên tòa. Như vậy trong 518 nhà đầu tư được triệu tập, chỉ 140 người đến vào sáng nay.
>>Mức án sơ thẩm của 50 bị cáo
Trong giai đoạn sơ thẩm, TAND Hà Nội từng triệu tập gần 100.000 nhà đầu tư đã mua hoặc còn nắm giữ các loại cổ phiếu thuộc “hệ sinh thái” của ông Quyết lập ra.
Ba anh em ông Quyết còn “nợ” bồi thường 2.205 tỷ đồng
Tòa cáo buộc ông Quyết khi làm chủ tịch tập đoàn FLC đã xây dựng hệ sinh thái 82 công ty, trong đó có Faros được mua lại năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Ông Quyết và đồng phạm sau đó dùng thủ đoạn gian dối, khống vốn lên 4.300 tỷ đồng, đưa lên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).
Tòa đánh giá đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi cổ phiếu ROS của Faros đã được hơn 25.000 nhà đầu tư bỏ tiền mua, tổng giá trị hơn 3.620 tỷ đồng.
Với tội Thao túng thị trường chứng khoán, cơ quan công tố cáo buộc ông Quyết và đồng phạm nhờ người thân đứng tên 20 công ty, 500 tài khoản chứng khoán sau đó dùng để mua bán qua lại số lượng lớn 5 mã cổ phiếu họ FLC gồm GAB, HAI, FLC, AMD và ART, qua đó thu lợi hơn 700 tỷ đồng.
Ngoài án tù, cấp sơ thẩm cũng tuyên buộc 3 anh em ông Quyết liên đới bồi thường cho các nhà đầu tư hơn 1.785 tỷ đồng do Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nộp sung công quỹ Nhà nước hơn 684 tỷ đồng về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, tổng 2.470 tỷ đồng. Ông Quyết tại tòa đã xin thay các em bồi thường toàn bộ.
Ông Quyết và em gái út, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, còn phải nộp 1,6 tỷ đồng án phí. Tòa ghi nhận tổng số tiền các bị cáo và người nhà đã nộp là 264 tỷ đồng. Anh em ông Quyết còn “nợ” nghĩa vụ dân sự khoảng 2.205 tỷ đồng.
Trước đó, tại tòa, ông khẳng định luôn đau đáu tìm cách khắc phục hậu quả, cho rằng tài sản cá nhân bị kê biên khoảng 4.800-5.000 tỷ đồng, mong được tòa tạo điều kiện khắc phục.
Ông Quyết cùng hai em gái tiếp tục bị kê biên hơn 2.200 m2 nhà đất tại quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy (Hà Nội).
Theo đề nghị của Bộ Công an, 500 tài khoản chứng khoán của bà Huế với tổng số dư 7,6 tỷ đồng cùng 243 triệu cổ phiếu (thuộc các mã GAB, FLC và ART) cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phong tỏa. Các mã cổ phiếu này đều đã bị đình chỉ giao dịch.
Ai là “bị hại”, ai là “người liên quan”?
Bản án nêu sau 5 lần tăng vốn, nhóm ông Quyết đã niêm yết 43 triệu cổ phiếu ROS lên HoSE, bán lần đầu cho 25.853 bị hại, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng.
Về nguyên tắc, các bị cáo phải bồi thường cho các bị hại số tiền đã mua cổ phiếu bị nâng khống. Song thực tế nhiều nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu ROS đã bán, có người mua bán nhiều lần, cổ phiếu bị trộn lẫn trong các lần giao dịch sau đó.
Hiện có nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu nên không có yêu cầu bồi thường, có nhà đầu tư không biết bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên không yêu cầu bồi thường.
Cho rằng tại thời điểm các bị cáo bán cổ phiếu ROS, có người mua với giá cao song cũng có nhà đầu tư mua giá thấp, tòa sơ thẩm đánh giá giao dịch khớp lệnh diễn ra trong nhiều năm, đến nay không xác định được chính xác giá mua bán trong các lần khớp lệnh.
Nêu lý do đảm bảo công bằng, tòa buộc ông Quyết và đồng phạm bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán, tương ứng khối lượng cổ phiếu các bị hại này đang sở hữu.
430 triệu cổ phiếu đã phát hành theo vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng của Faros, trong đó giá trị nâng khống là 3.102 tỷ đồng. Như vậy, mỗi cổ phiếu ROS được niêm yết phát hành có 72,15% nâng khống.
Mệnh giá cổ phiếu ROS được chào bán trên thị trường khi đó là 10.000 đồng. Do đó trên mỗi cổ phiếu, các bị cáo đã nâng khống 7.215 đồng. “Các bị cáo sẽ phải đền bù 7.215 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại, nhân với khối lượng cổ phiếu bị hại đang sở hữu”, bản án nêu.
Trong 133 bị hại đang nắm giữ cổ phiếu ROS trong lần bán ra ban đầu có 85 người gửi đơn tới tòa án xác nhận đã nhận đủ tiền bồi thường từ gia đình bị cáo Quyết. Các bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho những bị hại còn lại (48 người) theo phương án giá nêu trên.
Tòa Hà Nội cho phép các bị hại đã bán hết cổ phiếu ROS đã chuyển phần giá trị bị nâng khống cho người mua tiếp theo và các bị hại khác chưa có yêu cầu bồi thường có quyền đề nghị xem xét bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong vụ án dân sự khác.
Về cách xác định người liên quan, bản án sơ thẩm xác định tính đến ngày ROS bị hủy niêm yết trên sàn HoSE, 5/9/2022, có 63.075 nhà đầu tư (không bao gồm các bị cáo) đang giữ tổng hơn 567 triệu cổ phiếu ROS. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, 27.866 nhà đầu tư có yêu cầu bồi thường thiệt hại, được tòa xác định, là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Giải thích, HĐXX cho hay xét thấy hành vi nâng khống vốn sở hữu của Faros để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã khiến cổ phiếu này bị hủy niêm yết bắt buộc, ảnh hưởng quyền lợi các nhà đầu tư và tính thanh khoản của ROS. Vì thế, các bị cáo cũng phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, việc mua bán cổ phiếu được xác lập trên cơ sở khớp lệnh của hàng triệu tài khoản chứng khoán trên thị trường. Khi nhà đầu tư phát sinh nhiều giao dịch mua bán một mã cổ phiếu, nhà đầu tư mua cổ phiếu của ai và tại thời điểm nào là “không thể xác định được”.
Ngoài giá trị gốc của cổ phiếu theo mệnh giá thì cổ phiếu còn bị ảnh hưởng bởi thị trường, tâm lý nhà đầu tư, các yếu tố khách quan, chủ quan khác. Mặt khác, Công ty Faros vẫn đang hoạt động, cổ phiếu ROS vẫn đang có giá trị lưu hành, chỉ không được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tòa cho rằng “không thể buộc các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra mua cổ phiếu mà chỉ có thể buộc các bị cáo bồi thường phần bị nâng khống trên mỗi cổ phiếu”.
Tòa kết luận về phương án bồi thường như sau: Trong 133 bị hại có yêu cầu bồi thường, 85 người đã nhận đủ tiền bồi thường. 48 người còn lại sẽ được bồi thường theo công thức 7.125 đồng cho mỗi cổ phiếu ROS còn đang nắm giữ, tổng hơn 2 tỷ đồng.
Còn 27.866 người liên quan có yêu cầu sẽ được bồi thường 5.466 đồng cho mỗi cổ phiếu ROS, tổng 1.783 tỷ đồng.
Thanh Lam
Nguồn: vnexpress.net Thứ năm, 26/12/2024, 00:17 (GMT+7)