Nhiều khách hàng ‘tố’ Leflair đã nhận tiền nhưng không trả hàng
6 min read
Không chỉ nợ tiền và hàng tồn của các nhà cung cấp với trị giá hàng chục tỉ đồng, trang thương mại điện tử Leflair đang nợ hàng rất nhiều khách mua lẻ trên trang này từ đầu tháng 2 đến nay.
Tính đến chiều nay (4.3), đã có gần 20 khách hàng thông tin đến báo Thanh Niên về tình trạng họ đã đặt mua hàng trên Leflair, đã thanh toán qua online trong tháng 2.2020, nhưng đến nay, hàng không thấy, tiền không được hoàn lại. Liên lạc đến văn phòng không ai nghe máy, email, chat cũng không ai trả lời. Nhiều đơn hàng trị giá từ 1-4 triệu đồng.
Tiền đi, hàng chờ mòn mỏi không thấy
Ngày 4.3, chị Ngọc Anh (TP. Hải Phòng) thông tin: Ngày 1.2, chị đã đặt mua chiếc đồng hồ nam trên trang Leflair trị giá 1,99 triệu đồng.Thế nhưng, sau khi nhận hàng, phát hiện dây da bị rách, sản phẩm không đạt chất lượng như hình ảnh, chị Ngọc Anh đã liên hệ với Leflair để trả lại. Ngày 6.2, phía Leflair đã có mail đồng ý nhận lại hàng và hướng dẫn khách gửi trả, đồng thời cho biết, sau khi hàng về kho, Leflair sẽ tiến hành kiểm tra và hoàn tiền vào tài khoản ngân hàng cho khách. Ngày 15.2, Leflair có mail xác nhận đã nhận được hàng và thông báo việc hoàn tiền sẽ được thực hiện trong vòng 5-7 ngày sau đó. Thế nhưng, từ ngày 15.2 đến nay (4.3), sau gần 20 ngày, chị Ngọc Anh vẫn chưa nhận được tiền hoàn được gửi vào tài khoản dù chị đã liên tục gửi 3 email, gọi điện đến đường dây nóng để hỏi thông tin nhưng không nhận bất kỳ hồi âm nào từ phía Leflair.
Chị Tô Tuyết Lan (Hà Nội) thông tin: Đầu tháng 2 năm nay (sau Tết Nguyên đán), chị đặt mua 2 đơn hàng nước hoa từ Leflair (1 đơn hơn 2 triệu đồng và 1 đơn hàng trị giá 1,5 triệu đồng), giao hàng về văn phòng công ty. Tuy nhiên, do đúng ngay dịch cúm Covid-19, chị phải ở nhà nên liên lạc phía giao nhận là DHL để thay đổi địa chỉ nhận hàng về nhà. Cả hai đơn hàng đều được thanh toán chuyển khoản online và cùng được xác nhận thay đổi địa chỉ nhận hàng một lượt. Thế nhưng, sau đó chị Lan chỉ nhận được 1 đơn hàng trị giá hơn 2 triệu đồng. Đơn hàng còn lại đến ngày 14.2, chị nhận được mail báo do “người nhận từ chối nhận hàng” nên hàng được trả về kho. Chị Lan thắc mắc: “Tôi đã trả tiền rồi, đã thay đổi địa chỉ nhận hàng rồi, đã được xác nhận rõ ràng. Tôi chưa từng được liên hệ giao hàng với đơn hàng thứ 2, sao lại bảo tôi từ chối nhận? Vô lý”. Vấn đề theo chị Lan là sau đó, dù đã nhiều lần liên lạc qua nhắn tin, email nhưng vẫn bặt âm vô tín.
Ngoài ra, một số khách hàng phản ánh mua chăn nệm Hàn Quốc trên trang Leflair trị giá 3,1 triệu đồng giữa tháng 2, đã thanh toán vẫn chưa nhận được hàng. Khách hàng ở Đà Nẵng tên Huyền cũng cho biết đặt mua 2 đơn hàng giày và nữ trang trị giá 3,3 triệu đồng từ ngày 16.2, theo lịch trình được thông báo ban đầu, đơn hàng giao dự kiến từ ngày 26.2 đến 9.3. Thế nhưng, đến nay không biết hàng đang… “lưu lạc” phương nào do lịch trình đường đi của hàng không được cập nhật, liên lạc qua đường dây nóng của Leflair không ai trả lời. “Tôi mua hàng trên trang này nhiều lần lắm rồi, thường dịch vụ chăm sóc, lịch trình cập nhật rất chu đáo, nay gọi điện chỉ nghe câu “cảm ơn quý khách đã gọi đến” rồi tắt phụt không nghe gì nữa”.
Đã thông báo đóng cửa, 3 tuần sau vẫn còn nhận đơn hàng của khách lẻ
Vấn đề là sau khi đã tuyên bố đóng cửa đầu tháng 2, gửi thông báo đến các nhà cung cấp kết toán công nợ, hàng tồn.. Nhưng đến giữa tháng 2, thậm chí tuần cuối cùng của tháng 2 vừa qua, Leflair vẫn nhận đơn hàng, nhận tiền để bán hàng cho khách online. Bà Hương (Đà Nẵng) – khách lẻ mua hàng trên Leflair đang bị nợ đơn hàng 2,1 triệu cho rằng, đây là hành vi có tính trục lợi. Đã tuyên bố đóng cửa, chúng tôi không biết, sao vẫn nhận đơn hàng, nhận tiền chúng tôi chuyển khoản để mua hàng?
Ngoài ra, số công nợ theo ước tính của Leflair hiện tại là hơn 50 tỉ đồng với nhà cung cấp và khoảng 2-3 tỉ đồng liên quan lương tiền nhân viên, còn tiền nợ hàng khách lẻ chưa thống kê được.
Leflair được thành lập năm 2015 bởi 2 doanh nhân người Pháp Loic Gautier và Pierre Antoine Brun, chuyên phân phối các sản phẩm hàng chính hãng. Trong 4 năm qua, sàn thương mại điện tử này đã gọi vốn được gần 12 triệu USD, doanh thu ước đạt hàng chục triệu USD với giá trị đơn hàng trên mỗi khách hàng cao nhất thị trường. Tuy nhiên, theo thông báo chính thức gửi các nhà cung cấp hồi đầu tháng 2, do áp lực về nguồn vốn, Leflair sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam và tập trung kinh doanh hàng xuất nhập khẩu.
Nguồn: thanhnien.vn