Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu – người đặt nền móng xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời kỳ đổi mới
4 min readÔng Vũ Quốc Hùng, nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương, nói như vậy khi trao đổi cùng Tuổi Trẻ Online ngày 7-8 khi hay tin nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần sáng sớm cùng ngày.
Ông Hùng nói: “Cuối năm 1997, tại hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, ông Lê Khả Phiêu được bầu làm tổng bí thư. Khi đó tôi rất bất ngờ khi ông được bầu làm tổng bí thư vì vốn dĩ ông là một người dày dạn trận mạc, gần như cả cuộc đời gắn bó với binh nghiệp. 61 tuổi mới vào trung ương và sau đó rất nhanh vào Bộ Chính trị, lên làm tổng bí thư”.
Khi được hỏi ông ấn tượng gì về những việc mà Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã làm, ông Hùng nói: Việc chọn tư lệnh lãnh đạo của Đảng lúc đó trung ương cũng phải đặt lên đặt xuống, giao sự nghiệp đổi mới vào tay ai đây và khi ông Lê Khả Phiêu trở thành tổng bí thư thì đúng là tôi rất bất ngờ.
Trong 3,5 năm làm tổng bí thư, tôi khi đó là phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương thì thấy một vị tướng nay làm công tác chính trị, tư lệnh của Đảng, là con người rất chịu khó, rất cầu thị để tiếp cận vấn đề mới. Có rất nhiều vấn đề khi đó nhưng ông tập trung vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí.
Một Đảng cầm quyền thì trước tiên phải sửa mình – tôi ấn tượng về điều này khi thấy Tổng bí thư quyết liệt cho việc đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới gắn với tiền, hàng, cơ chế thị trường.
Tổng bí thư chủ trương đổi mới trong sinh hoạt Đảng. Từ cơ sở Đảng, việc sinh hoạt cũng phải đổi mới cho ra sinh hoạt chứ không hình thức, cho qua. Phải họp và tiến hành phê bình, tự phê bình, phải bàn những nội dung về lãnh đạo, xây dựng tổ chức cơ sở. Từng đảng viên đều thường xuyên xem xét, soi rọi mình, tự phê bình, tự báo cáo những vấn đề ưu, khuyết điểm và những vướng mắc.
Đặc biệt, Tổng bí thư chấn chỉnh Đảng từ trên trở xuống, “tắm từ đầu tắm xuống” chứ không chỉ từ thắt lưng xuống. Vì tinh thần này mà Bộ Chính trị khi đó kiểm điểm 10 ngày và thường kết thúc mỗi ngày rất muộn.
Trong kiểm điểm, Tổng bí thư chủ trì và mỗi ủy viên Bộ Chính trị phải làm kiểm điểm, đứng lên bục tự trình bày kiểm điểm của mình để các đồng chí khác góp ý rất thẳng thắn. Góp ý mọi vấn đề, trong đó đặc biệt quan tâm cả kiểm điểm về lối sống, có quan liêu, lãng phí, xa dân hay không.
Còn với các ủy viên trung ương Đảng, bản thân phải tự nguyện, tự giác kiểm điểm và có kèm bản mẫu để trả lời từng câu hỏi mà trung ương đưa ra cho mỗi ủy viên.
Kiểm điểm, phê bình nhưng không hề là cuộc đấu đá nhau, kiểm điểm trên tinh thần đồng chí giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, xây dựng tổ chức Đảng mạnh lên. Không khí khi đó rất hồ hởi.
Nguồn: tuoitre.vn