Lương hưu, trợ cấp người có công tăng, người cao tuổi an tâm với tuổi già
6 min readThoải mái trong sinh hoạt
Từ ngày 1.7.2024, khi lương hưu tăng lên gần 4,7 triệu đồng/tháng, bà Trần Thị Tuyết (Thanh Hóa) đã có thể thoải mái hơn trong chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày. Bà Tuyết cho biết, nhờ có khoản lương hưu tăng thêm, trong mâm cơm đã có thêm thịt, bà cũng không ngần ngại trích thêm 500.000 đồng mỗi tháng mua thêm sữa, thực phẩm chức năng để hỗ trợ sức khỏe xương khớp, tim mạch.
Nghị định 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ tăng cao nhất từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (35,7%) và có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Khi trợ cấp được tăng lên theo quy định mới sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của người có công và thân nhân của họ.
Ông Nguyễn Bạch Đằng (84 tuổi, Nam Định) không giấu nổi niềm vui và sự biết ơn với chính sách tăng trợ cấp lên tối đa 35,7% của Nhà nước. Ông Đằng đang được hưởng 2 khoản trợ cấp bệnh binh và trợ cấp chất độc da cam với số tiền 6.016.000 đồng. Với mức trợ cấp mới, ông Đằng có thể nhận về tổng số tiền từ 7,2 đến 8 triệu đồng/tháng. Sống ở quê nên theo ông Đằng, mức trợ cấp này sẽ đảm bảo cuộc sống tương đối thoải mái.
Với ông Nguyễn Ngọc Làn (76 tuổi, Nam Định), khi tăng lên mức cao nhất 35,7%, hai khoản trợ cấp mất sức và chất độc da cam, hằng tháng, ông nhận trợ cấp 4,7 triệu đồng/tháng. Với khoản tiền mới này, ông Làn bớt lo lắng hơn, không phải phiền muộn con cái quá nhiều như trước.
Trước đây, với 3,5 triệu đồng trợ cấp, hai vợ chồng ông Làn phải tính toán rất chi li, con cái vẫn hỗ trợ thêm từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Khi được tăng thêm tiền trợ cấp, vợ ông Làn cho biết, sẽ dành hết để mua cho chồng những loại thuốc tốt hơn.
Chỉ số hạnh phúc của người lao động là các phúc lợi thụ hưởng
Tháng 7.2024, anh Cao Văn Mị (trú huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) được hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng căn nhà riêng đổ nền bêtông chắc chắn thay cho căn nhà gỗ có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, với 3 nhân khẩu, anh mới xin vào làm công nhân công ty chuyên về chế biến dăm gỗ ở huyện miền núi Khánh Vĩnh.
Với tổng mức thu nhập của cả gia đình mỗi tháng được hơn 4 triệu đồng, nên khi bố mẹ cho đất, anh Mị chỉ dám dựng ngôi nhà gỗ tạm để ở. Mùa mưa năm nào cũng nơm nớp lo vì nhà đang muốn sập, khi được công đoàn kết nối hỗ trợ, cả 2 vợ chồng mất ngủ vì vui. Phấn khởi vay thêm một khoản ngoài số tiền hỗ trợ, anh Mị cùng gia đình đang hoàn thiện ngôi nhà mong mỏi sau nhiều năm.
“Có nhà ổn định với tôi là thành công của năm nay. Được hỗ trợ xây nhà tôi cùng vợ có thêm nhiều động lực, tinh thần tốt hơn để làm việc chăm chỉ hơn, chăm sóc con tốt hơn, đặt mục tiêu phấn đấu phải thoát nghèo để con có cuộc sống sung túc hơn” – anh Mị chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu Sương – Công ty TNHH Long Sinh – chia sẻ, năm 2024 người lao động Công ty được tăng lương trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo chị Sương, lương thưởng chính chỉ số quan trọng số 1 trong việc gắn bó và cống hiến của người lao động.
Thực tế để các doanh nghiệp có thể tăng lương thưởng hằng năm thì yếu tố cần là doanh nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả, có những đóng góp tích cực không chỉ cho xã hội, kinh tế, mà còn người lao động. Điều này làm NLĐ cảm thấy được an toàn và hạnh phúc khi có thể làm việc trong một môi trường mà doanh nghiệp có sự phát triển ổn định và bền vững. Cũng có trường hợp không phải doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận tốt cũng sẵn sàng tăng lương thưởng hằng năm cho NLĐ, những chủ doanh nghiệp thực sự có tâm mới dành ngày càng nhiều hơn phúc lợi cho NLĐ trong điều kiện doanh nghiệp đang hoạt động tốt.
“Chúng tôi thấy may mắn vì được làm việc trong môi trường chủ doanh nghiệp luôn tạo điều kiện và nỗ lực gia tăng lương thưởng phúc lợi cho người lao động. Bản thân người lao động cũng cảm thấy được trân trọng, được quan tâm và sẽ cống hiến hết mình” – chị Sương nhấn mạnh.
Nguồn: laodong.vn