Khi bộ trưởng đi thay kính cũng phải khai tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ
9 min readPhiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu sáng 12/11 với nhiều vấn đề nóng thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Thu thập thông tin cá nhân phải xin phép
Lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân là vấn đề được đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đặt ra khi chất vấn Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo ông, hiện nay quảng cáo trực tuyến thường dựa vào dữ liệu người dùng, đôi khi vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Điều này gây ra lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ hoặc truy cập vào các trang web.
Dẫn số liệu lượng thông tin cá nhân, quyền riêng tư của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm đã tăng 50% so với cùng kỳ, đại biểu Tuấn nhấn mạnh thực trạng này đang gây bức xúc xã hội. Ông muốn Bộ trưởng trả lời về giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng trên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận đang có tình trạng “nhà nhà thu thập thông tin cá nhân”. “Tôi đi thay kính cận, người ta cũng hỏi anh tên gì, bao nhiêu tuổi, địa chỉ nhà, làm nghề gì? Họ tư duy theo hướng có thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng”, ông Hùng nói.
Bộ trưởng cho rằng những công ty nhỏ chưa hiểu biết pháp luật về thu thập thông tin phải xin phép, phải có hệ thống an toàn để không bị tấn công và phải có quy chế nội bộ để người khai thác trên hệ thống không mang đi bán, giao dịch với doanh nghiệp khác.
Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng cũng đã quy định trách nhiệm của người thu thập thông tin cá nhân phải bảo vệ dữ liệu, sử dụng đúng quy định của pháp luật.
Nhấn mạnh “đây là câu chuyện lớn”, Bộ trưởng cho biết vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức rất nhiều đoàn để thanh tra về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đối tượng thanh tra là các nhà mạng viễn thông, các công ty bưu chính, ngân hàng, mạng xã hội, trang thông tin….
“Rất nhiều sai sót phải chấn chỉnh”, theo lời Bộ trưởng. Những sai sót này, theo ông, đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhắc nhở “thu thập thông tin cá nhân phải thực hiện đúng quy định của pháp luật”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phản ánh hiện tượng “người người làm báo, nhà nhà làm báo”, làm kênh riêng đưa lên mạng, kèm theo quảng cáo, với nhiều nội dung giật gân, phản cảm, sai sự thật đã gây bức xúc trong dư luận. Bà chất vấn về giải pháp chấn chính tình trạng này và nâng cao vai trò của báo chí chính thống.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định khi mạng xã hội ra đời đã “lấy mất nghề” của báo chí. Nghề báo chí trong nhiều trăm năm qua tập trung vào đưa tin, nhưng mạng xã hội hiện nay đưa tin nhanh hơn, mạng xã hội có hàng chục triệu “phóng viên” ở khắp mọi nơi mà không phải trả tiền lương.
“Báo chí muốn giữ vững trận địa của mình thì phải làm khác mạng xã hội, quay về những giá trị cốt lõi là thông tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp, thay vì đưa tin thì phân tích đánh giá, thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, thay vì đưa tin thì kể câu chuyện dẫn dắt định hướng xã hội”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây, báo chí trong không gian thực là lực lượng chủ đạo, còn hiện nay lên không gian mạng, thông tin từ báo chí phải định hướng được dòng chảy, đảm bảo chất lượng tin tức, nội dung.
“Cách tốt nhất để báo chí cạnh tranh với mạng xã hội là làm khác mạng xã hội và quay về với giá trị cốt lõi của mình. Sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo và coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện”, ông Hùng nói.
Thông tin xấu độc tràn lan, mạng xã hội cũng có thể bị xử lý
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho biết sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội vừa kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn, tạo ra những hệ lụy tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội, vừa cạnh tranh khốc liệt với báo chí chính thống cả về thông tin và doanh thu.
Vị đại biểu chất vấn tư lệnh ngành thông tin và truyền thông giải pháp quản lý mạng xã hội.
“Quản lý mạng xã hội để chống tin giả, tin sai sự thật là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu”, theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Giải pháp đầu tiên ông trả lời đại biểu là hoàn thiện thể chế. “Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả, nhưng mới đây đã có nghị định xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam”, ông Hùng nói và nhấn mạnh trách nhiệm của các nền tảng xã hội.
Theo ông, các nền tảng này có không gian riêng, có hàng chục triệu thuê bao với hàng trăm triệu, hàng tỷ người dùng nên phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và xấu độc.
Giải pháp quan trọng nữa, theo Bộ trưởng, cần phải truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng “đề kháng” trên không gian số; đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.
Khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai, tin xấu độc, Bộ trưởng gợi ý có thể liên hệ, phản ánh với Trung tâm Chống tin giả quốc gia. Trung tâm này cũng đang bắt đầu hình thành ở các địa phương cũng bắt đầu hình thành các trung tâm này.
Trong phần tranh luận của mình, Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam đề cập tình trạng quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng và nhận định việc này ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Bộ đã làm hết trách nhiệm của mình trong công tác này chưa?”, bà Lam chất vấn và hỏi Bộ trưởng về giải pháp cốt lõi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “Bộ đã làm hết sức”, và việc quản lý quảng cáo đã có nhiều tiến triển.
“Trước đây, cơ quan quản lý chuyển những thông tin sai sự thật yêu cầu các mạng gỡ nhưng họ thực hiện hạn chế, 10 nội dung chỉ gỡ 1-2. Còn nay thực hiện nghiêm trên 90%. Đã có lệnh từ Nhà nước là các nền tảng, cả xuyên biên giới phải thực hiện. Nền tảng phải tự rà quét, hạn chế”, ông Hùng thông tin.
Nguồn: dantri.com.vn