Giá cà phê hôm nay 22.12: Diễn biến bất ngờ
4 min readTính đến 11h30 hôm nay (22.12), thị trường cà phê trong nước tiếp đà lao dốc, trung bình giảm 800 đồng/kg mỗi phiên, hiện giá dao động trong khoảng 120.500 – 121.300 đồng/kg. Giá thu mua cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên phiên cuối tuần rơi xuống mức 121.100 đồng/kg.
Tổng kết tuần, giá cà phê nội địa giảm mạnh 3.100 đồng/kg so với mốc đỉnh của tuần là 124.200 đồng/kg. Mặc dù giá cà phê trong nước có thời điểm bám sát mức 125.000 đồng/kg và tăng, giảm luân phiên nhưng nhìn chung đây là tuần có mức giảm mạnh sau một tuần tăng “phi mã”.
Trên 2 sàn giao dịch London và New York, thị trường cà phê diễn biến ngược chiều ở tất cả các kỳ hạn. Trên sàn giao dịch cà phê Robusta London, giá cà phê được bao trùm bởi sắc đỏ, tiến gần về mốc 5.000 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 1.2025 giảm gần 1% (tương đương với 50 USD/tấn), đứng ở ngưỡng 5.011 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 3.2025 cùng chiều trượt dốc 0,87% (tương đương với 44 USD/tấn), giao dịch ở mức 5.002 USD/tấn.
Tương tự, diễn biến tại thị trường cà phê Arabica New York đồng loạt bật tăng sau phiên giảm sâu. Kỳ hạn giao tháng 3.2025 và tháng 5.2025 neo ở ngưỡng 325,00 cent/lb và 319,30 cent/lb, lần lượt tăng 0,39% và 0,31%.
Việc đồng Real của Brazil phục hồi vào ngày 20.12 sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cà phê Arabica. Điều này khiến giá cà phê Brazil trở nên đắt đỏ hơn đối với thị trường quốc tế. Mức tăng giá cũng làm giảm động lực xuất khẩu của các nhà sản xuất cà phê Brazil, và có tác động tiêu cực đến nguồn cung cà phê Brazil trên thị trường quốc tế. Do đó, các nhà xuất khẩu có thể giữ lại cà phê trong nước thay vì xuất khẩu với mức giá thấp hơn.
Tuy nhiên, đà tăng giá cà phê Arabica sẽ vẫn bị hạn chế do sự gia tăng tồn kho được giám sát bởi ICE. Đáng chú ý, ngày 19.12, tồn kho cà phê Arabica đã đạt mức cao nhất trong 2,5 năm, lên tới 981.565 bao. Số liệu cho thấy nguồn cung cà phê Arabica trên thị trường đang dồi dào khiến giá cà phê không tăng mạnh dù có các yếu tố hỗ trợ.
Theo các chuyên gia, việc Liên minh châu Âu (EU) chính thức hoãn thực hiện đạo luật về chống phá rừng và suy thoái rừng (EUDR) 1 năm sẽ giúp ổn định thị trường và mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam. Khi áp dụng, EUDR yêu cầu các quốc gia xuất khẩu cà phê phải chứng minh sản phẩm của họ không liên quan đến nạn phá rừng hoặc vi phạm quyền con người. Việc hoãn áp dụng EUDR, các nhà xuất khẩu sẽ có thêm thời gian nhằm điều chỉnh và chuẩn bị cho các yêu cầu mới, giảm thiểu những tác động tiêu cực.
Nguồn: laodong.vn Chủ nhật, 22/12/2024 12:03 (GMT+7)