Dịch COVID-19: Xuất hiện tin giả về khuyến cáo dịch
16 min read
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sẽ cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước từ các cơ quan chức năng tại đây.
VN Trends – Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sẽ cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước từ các cơ quan chức năng tại đây.
Tiếp tục cập nhật
Xuất hiện tin giả về khuyến cáo dịch
Thông tin từ Bộ Y tế tối 28/2/2020 cho biết, trên mạng xã hội vừa xuất hiện tin giả về khuyến cáo dịch.
Cụ thể, hiện trên mạng xã hội đang lan truyền ảnh chụp màn hình một tin nhắn với nội dung khuyến cáo từ một người được cho là Chánh Văn phòng Bộ Y tế về khả năng nguy cơ rất cao lây lan bùng phát dịch COVID-19 trong tuần tới tại Hà Nội.
Đoạn tin nhắn có nội dung: “Chú Bằng vừa báo, bên chú Trường- Chánh VP BYT nhắc khéo, cẩn thận tuần này, tuần sau ko ra các quán xá, chỗ đông người, TTTM vì HN có nguy cơ rất rất cao bùng lây lan vào tuần sau, sau khi đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn. Mọi người hạn chế ra đường, đeo khẩu trang trong VP, ko ăn uống ngoài đường, mang cốc riêng mà uống nước văn phòng…”.
Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng tôi xin khẳng định đây là thông tin giả”.
Theo ông Vũ Mạnh Cường, mọi khuyến cáo của Bộ Y tế tới người dân đều được truyền tải qua các kênh truyền thông chính thức của Bộ Y tế, các cơ quan báo chí chính thống và các tin nhắn SMS của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông”.
Nạn nhân người Hàn Quốc tử vong tại Bắc Ninh âm tính với virus SARS-CoV-2
Tối 26/2, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh Vũ Huy Phương cho biết, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xác định: người đàn ông quốc tịch Hàn Quốc tử vong gần cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh ngày 25/2 âm tính với virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, nạn nhân tên JUNG JIN YONG, sinh năm 1976, quốc tịch Hàn Quốc, nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 28/1/2020, tạm trú tại một khách sạn ở phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh và làm việc tại Công ty STN VINA ( Khu Công nghiệp Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Ngày 7/2, bệnh nhân khám tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, được chẩn đoán đái tháo đường Tuyp II. Bệnh nhân đã điều trị theo đơn thuốc của bệnh viện.
Đến khoảng 4 giờ ngày 25/2, bệnh nhân tiếp tục đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Qua điện thoại, người phiên dịch mô tả bệnh nhân bị đau lưng, muốn khám và xin thuốc. Tại đây, các nhân viên y tế đã kiểm tra bệnh nhân không sốt, không khó thở. Sau đó, bệnh nhân tự ý bỏ ra khỏi viện. Đến 5 giờ cùng ngày, người đi đường phát hiện nạn nhân nằm bất động tại ngã tư đèn giao thông, cách bệnh viện khoảng 100 mét và đã gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân quay trở lại bệnh viện. Khi các bác sĩ tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng đã ngừng thở, ngưng tim. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu nhưng bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, hô hấp. Trong quá trình cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu máu và một số cận lâm sàng để kiểm tra. Kết quả cho thấy, đường trong máu rất cao (27,9 mmol/l).
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh, nạn nhân bị đái tháo đường Tuyp II, chưa loại trừ có bệnh lý tim mạch và chờ kết quả điều tra của cơ quan Công an. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đang điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong..
Bổ sung quy định điều kiện công bố hết dịch
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, bổ sung thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra) tại Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg.
Cụ thể, bệnh COVID-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế).
COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC).
Thông tin cập nhật đến 26/2/2020, tại Việt Nam, toàn bộ 16/16 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được chữa khỏi; đang theo dõi, cách ly 31 trường hợp nghi nhiễm COVID-19; theo dõi sức khỏe 5.675 người tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19 và nhập cảnh từ vùng dịch. Qua 14 ngày, Việt Nam chưa ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm COVID-19 mới… Đến nay, hai tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã đủ điều kiện để công bố hết dịch.
Tuy nhiên, diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, khó lường. Bộ Y tế nhận định, thời gian tới, Việt Nam có thể ghi nhận những trường hợp mắc COVID-19 mới.
Bệnh nhân thứ 16 nhiễm virus corona tại Việt Nam xuất viện
Ngày 26/2, Trung tâm Điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp (Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà), huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc công bố, bệnh nhân nam tên là N.V.V. sinh năm 1970, trú ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên đã khỏi bệnh và được xuất viện.
Ở thời điểm hiện tại, ông N.V.V. là bệnh nhân cuối cùng của tỉnh và cả nước (bệnh nhân thứ 11 ở tỉnh Vĩnh Phúc và 16 tại Việt Nam) nhiễm virus SARS-CoV-2 không còn phải điều trị tại bệnh viện. Như vậy, tất cả 16 bệnh nhân mắc bệnh nước ta đều đã khỏi bệnh và đã xuất viện.
Sau khi xác định vợ và 2 con gái của ông N.,V. V bị nhiễm COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ông V vào danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, được cách ly và theo dõi sức khỏe hàng ngày. Trong quá trình theo dõi, ông N.V.V không có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Tuy nhiên, ngày 11/2, ông V. cảm thấy mệt mỏi, khó chịu được cán bộ y tế ghi nhận, lấy mẫu và gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.
Bác sĩ Trần Quang Vịnh, Trưởng khoa Khoa Bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc), được điều động tăng cường đến Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà ở huyện Bình Xuyên từ ngày 7/2/2020, là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Bác sõ Vịnh cho biết: Ngày 13/2, bệnh nhân có kết quả dương tính và được điều trị tích cực. Qua hai lần xét nghiệm sau đó, bệnh nhân N.V.V. đều đã có kết quả âm tính vào các ngày 22/2 và 24/2/2020. Trong suốt 2 tuần lễ được điều trị theo dõi, bệnh nhân không có những biểu hiện bất thường về sức khỏe.
Ông N.V.V. là bố của hai bệnh nhân nữ đã điều trị khỏi bệnh. Đó là chị N.T.D (một trong 8 công nhân được Công ty Nihon Plast Vietnam cử đi tập huấn ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Bệnh nhân N.T.T.D (sinh năm 2004), đã khỏi bệnh và xuất viện vào chiều ngày 20/2. Vợ ông N.V.V cũng đã khỏi bệnh, xuất viện cùng chiều ngày 20/2.
Trong một diễn biến khác, ngày 25/2/2020, cơ sở cách ly tập trung của tỉnh Vĩnh Phúc được lập tại Trung đoàn 834 (Bộ Chỉ Huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc) đã bàn giao về các địa phương 82 công dân đã qua thời gian cách ly tập trung để về với gia đình. Đây là những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và được cách ly phòng dịch.
Trong suốt 16 ngày cách ly những người này đã được theo dõi, kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt theo quy định, 100% các công dân được xét nghiệm hai lần và xác định không ai mắc bệnh, sức khỏe hoàn toàn ổn định, đủ điều kiện trở về địa phương. Sau khi về nhà, 82 người này sẽ tiếp tục thực hiện tự cách ly tại nhà trong 7 ngày dưới sự theo dõi, giám sát của Trạm y tế địa phương…
Kể từ ngày 13/2 đến nay, tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng như cả nước không xuất hiện thêm bệnh nhân mới nhiễm virus SARS-CoV-2. Tụy nhiên, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai quyết liệt. Hiện tại chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã lên phương án cách ly đối với những công dân Hàn Quốc, Nhật Bản… đang cư trú trên địa bàn tỉnh.
Dừng đưa lao động Việt Nam đi làm tại vùng có dịch
Theo Bộ LĐTB&XH, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dừng ngay việc đưa lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp không chấp hành.
Các cơ quan đại diện lao động tại các vùng dịch cũng cần có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại trong trường hợp bị nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch COVID-19 hoặc đến từ các vùng khác. Đối với những lao động về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng, về trước thời hạn hợp đồng và những trường hợp cá biệt khác thì thực hiện việc tiếp nhận và cách ly y tế và giám sát theo đúng quy định của Bộ Y tế. Cục Quản lý lao động ngoài nước đề xuất cấp thẩm quyền có phương án chỉ đạo và ứng phó kịp thời khi tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, nhất là khu vực tâm dịch.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các đơn vị tập trung phòng, chống dịch COVID-19 nhưng cũng phải tập trung tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực quản lý của ngành nhằm góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân. Các đơn vị theo lĩnh vực được giao phụ trách cần đề cao tính chủ động, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để tham mưu, xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, về việc tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần xây dựng phương án tiếp nhận có chọn lọc, theo trình tự chặt chẽ và có lộ trình đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc. Đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm ổn định tư tưởng của các lao động trong doanh nghiệp. Tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc kiểm tra sức khỏe, cách ly.
Về vấn đề lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (nhất là lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản), cần đẩy mạnh việc tuyên truyền ứng dụng “Kết nối người lao động đang làm việc ở nước ngoài” (COLAB SOS) của Trung tâm lao động ngoài nước. Đồng thời, tuyên truyền, động viên, khuyến khích người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giao Cục Quan hệ lao động và Tiền lương chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật về lao động và các văn bản có liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp phương án xử lý ảnh hưởng của dịch bệnh. Vụ Bảo hiểm xã hội chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế căn cứ các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội để hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các chính sách đảm bảo theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình hiện tại, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc tổ chức cho học sinh, sinh viên đi học trở lại bình thường từ ngày 2/3/2020….
Nhóm PV
Nguồn: thethaovanhoa.vn