Dịch COVID-19 ngày 15-3: Anh lên 1.372 ca nhiễm, đã có 35 người chết
10 min read* Bản tin cập nhật lúc 23h ngày 15-3
Theo Bộ Y tế Anh, tính tới chiều 15-3, số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên 1.372 người trong 24 giờ, tăng 20% so với ngày trước. Số tử vong tăng thêm 14 người, lên con số 35 so với 21 người so với một ngày trước đó. Theo Reuters, tổng số người đã kiểm tra virus corona chủng mới tại Anh là 40.279 người.
Iran có thêm 113 người chết, 1.209 ca nhiễm mới
Số liệu được Bộ Y tế Iran công bố chiều 15-3 cho biết đã có thêm 113 người chết, 1.209 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua tại Iran. Tổng số người chết tại nước này hiện giờ là 724 người, tổng số ca nhiễm là 13.938.
Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour kêu gọi để chuyển biến tình hình trong những ngày tới người dân nên hủy toàn bộ việc đi lại và ở trong nhà.
Truyền thông nước Anh cho biết con số bị nhiễm COVID-19 ở nước này đã lên đến 1.140 ca, số tử vong là 21.
Cơ quan chức năng của Ý cho biết số ca nhiễm tại đây đã tăng từ 17.660 lên 21.157 hôm 14-3, trong khi số ca tử vong tăng từ 1.266 lên 1.441 ca. Tuy nhiên, Ý cũng cho biết 1.966 bệnh nhân đã hồi phục. Số người bệnh cần chăm sóc đặc biệt cũng tăng từ 1.328 lên 1.528.
Ý vẫn là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19 và đồng thời đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Theo thông báo ngày 15-3 của Vatican, tất cả các thánh lễ Phục Sinh của Giáo hoàng Francis trong tháng sau sẽ được tổ chức mà không có sự tham dự của tín hữu do COVID-19. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của Vatican, theo Reuters.
Lễ Phục Sinh diễn ra trong 4 ngày với rất nhiều sự kiện chính, từ ngày thứ năm đến ngày lễ Phục sinh vào chủ nhật và hằng năm, hàng chục ngàn tín đồ đến tham dự thánh lễ ở Rome và Vatican.
Theo Reuters, Vatican cũng cho biết việc chúc phước giáo dân ngày chủ nhật của Giáo Hoàng sẽ được tường thuật qua mạng Internet và truyền hình từ nay cho đến ngày 12-4.
Hãng thông tấn AFP dẫn thông báo của chính phủ Tây Ban Nha tối 15-3 cho biết chỉ trong vòng 24 giờ qua đã có thêm hơn 2.000 ca nhiễm mới, 100 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm tại xứ sở bò tót là 7.753 trong khi tổng số ca tử vong là 288.
Như vậy Tây Ban Nha đã trở thành nước có số ca nhiễm và tử vong nhiều thứ 2 châu Âu, chỉ sau Ý.
Số ca nhiễm ở Hàn Quốc, Trung Quốc tiếp tục giảm
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 15-3 công bố thêm 76 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 tại đây lên 8.162 ca. KCDC cũng ghi nhận số ca tử vong đã tăng thêm 3 lên 73 ca.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 15-3 đã tuyên bố Daegu – thành phố lớn thứ 4 Hàn Quốc và 3 vùng lân cận ở tỉnh Gyeongsang Bắc là những vùng thảm họa đặc biệt, qua đó mở đường cho chương trình hỗ trợ quốc gia dành cho những khu vực đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc tuyên bố một khu vực nhất định là vùng thảm họa đặc biệt vì những lý do không liên quan đến thiên tai.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) cho biết đại lục có 20 ca COVID-19 trong ngày 14-3. Con số này nâng tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục lên 80.844 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tại đây cũng tăng thêm 10 người lên thành 3.199 ca.
Ngày 15-3, Ấn Độ ghi nhận 23 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 107 với 2 trường hợp tử vong. Theo Reuters, Ấn Độ có 1,3 tỉ người nhưng cho đến nay đã kiểm soát dịch bệnh COVID-19 rất tốt so với nhiều nước ở châu Á, châu Âu, và Bắc Mỹ.
Ở Đông Nam Á, theo Reuters, Malaysia vừa ghi nhận 190 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Theo Bộ Y tế nước này, phần lớn các trường hợp liên quan đến một sự kiện ở đền thờ Hồi giáo có hơn 10.000 người ở nhiều quốc gia tham dự.
Philipines thì có thêm 29 ca nhiễm mới, tổng cộng nước này có 140 ca nhiễm và 3 trường hợp tử vong tăng thêm, khiến tổng số người chết là 11.
Thái Lan ghi nhận thêm 32 ca nhiễm mới trong ngày 15-3, tổng số ca nhiễm hiện nay là 114. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới tăng vọt trong 1 ngày được ghi nhận ở Thái Lan.
Bộ Y tế Indonesia ghi nhận 21 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 117.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng ghi nhận thay đổi trong tình hình COVID-19:
* Bộ Y tế Mexico thông báo số ca nhiễm của nước này đã tăng từ 26 lên 41 ca trong ngày 14-3.
* Cộng hòa Congo ghi nhận ca nhiễm đầu tiên là một bệnh nhân nam 50 tuổi. Người này đã trở về Congo hôm 1-3 từ Pháp. Hiện ông cùng vợ và con gái đã được cách ly để theo dõi thêm.
* Tây Ban Nha đến hết ngày 14-3 đã có 193 người tử vong, tăng từ 120 ca trước đó 1 ngày. Đài TVE cho biết số ca nhiễm tại đây đã tăng từ 5.753 lên hơn 6.250 ca cùng hôm.
* Ireland ghi nhận ca tử vong thứ 2, đồng thời cho biết số ca nhiễm đã tăng từ 90 lên 129, theo Giám đốc Y tế Ireland Tony Holohan.
* Slovenia thông báo trường hợp tử vong đầu tiên là một cụ ông mắc bệnh mãn tính.
* Cơ quan Y tế Pháp thông báo thêm 12 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì COVID-19 lên 91. Cơ quan này cũng cho biết số ca nhiễm đã tăng từ 3.661 lên 4.499.
Chile cách ly hơn 1.300 người trên hai du thuyền
Bộ Y tế nước này ngày 14-3, xác nhận một du khách nam 85 tuổi dương tính với SARS-CoV-2 trên tàu Silver Explorer với 120 hành khách và 111 thủy thủ đoàn đang neo tại cảng Castro, cách thủ đô Santiago 2.400km về phía Nam.
Hành khách người Anh 85 tuổi đã được chuyển đến bệnh viện ở thành phố Coyhaique để xét nghiệm, điều trị và đang có sức khoẻ ổn định. D
Du thuyền thứ hai là tàu Azamara xuất phát từ thành phố Ushuaia ở miền Nam Argentina tới cảng Chacabuco với 65 hành khách và 389 thủy thủ đoàn hiện đang bị cách ly để lấy các mẫu bệnh phẩm của những trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.
Chile ngày 14-3 đã có 61 người nhiễm.
Đài truyền hình Globo ngày 14-3 (giờ địa phương) đưa tin một du khách người Canada, 78 tuổi, trên du thuyền bị cách ly tại cảng Recife, Brazil đã dương tính với virus corona chủng mới.Du thuyền có 609 người này bị cách ly tại Recife, phía đông bắc Brazil, từ sáng 12-3 sau khi du khách trên có triệu chứng của COVID-19. Ngoài ra, một nữ hành khách khác đang được xét nghiệm.
Lại thêm nhiều nước giới hạn du khách
Trong khi Na Uy tuyên bố đóng cửa toàn bộ sân bay từ ngày 16-3, chính quyền Morocco cũng cho biết sẽ đình chỉ các tuyến bay đến và đi từ 21 quốc gia để ngăn dịch COVID-19 lây lan.
Tương tự, chính phủ Yemen cũng thông báo đình chỉ tất cả chuyến bay tại những sân bay thuộc quản lý của họ trong vòng 2 tuần, bắt đầu từ ngày 18-3. Thủ tướng Yemen Maeen Abdulmalik Saeed cũng cho biết các chuyến bay vì mục đích nhân đạo sẽ được miễn trừ.
Ngoài việc hoãn các chuyến bay, Latvia và Lithuania thậm chí áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn để ngăn dịch lây lan. Trong khi Latvia sẽ cấm gần như toàn bộ du khách nước ngoài từ ngày 17-3, Lithuania sẽ đóng của biên giới với du khách kể từ 16-3 và chỉ miễn trừ đối với 1 số trường hợp như tài xế xe tải hay nhà ngoại giao.
Trong diễn biến liên quan đến dịch bệnh, Colombia đã trục xuất 4 du khách người Pháp và Tây Ban Nha vì vi phạm lệnh cách ly, ra khỏi khách sạn. Trong khi đó chính quyền Estonia cấm người nước ngoài nhập cảnh, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 17-3, theo hãng tin Reuters.
Theo Reuters, chính quyền Úc vừa yêu cầu tự cách ly bắt buộc đối với mọi người nước ngoài đến nước này trong 14 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 16-3.
Nhiều nước hạn chế hoạt động
Đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố đóng cửa hầu hết các cửa hiệu, nhà hàng và cơ sở giải trí từ ngày 14-3.
Ông Philippe thông báo các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và trạm xăng sẽ được miễn lệnh cấm.
Ngày 15-3, chính quyền Áo cho biết việc tự do đi lại nơi công cộng sẽ bị “hạn chế rất lớn”, đồng thời người dân Áo được kêu gọi tự cách ly ở nhà.
Kuwait ngày 14-3 cũng thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ các trung tâm thương mại, chỉ trừ những nơi cung cấp thực phẩm. Theo hãng tin quốc gia Kuwait, tất cả các trung tâm giải trí cho thiếu nhi và tiệm làm đẹp cũng sẽ phải đóng cửa để ngăn COVID-19 lan rộng.
Nguồn: tuoitre.vn