Chiến dịch quân sự của Mỹ khiến quân đội Panama biến mất đến ngày nay
10 min readMỹ đã huy động hơn 30.000 quân cho chiến dịch tấn công Panama. Ảnh: AFP.
Nguyên nhân dẫn đến chiến dịch
Đầu thế kỷ 20, nhờ sự ủng hộ của Mỹ, Panama tách khỏi Colombia và giành được độc lập hoàn toàn. Đổi lại, giới lãnh đạo Panama khi đó ký thỏa thuận cho phép Mỹ xây dựng và kiểm soát vĩnh viễn kênh đào chiến lược mà Washington muốn xây dựng ở nước này. Kênh đào mở ra con đường cho các tàu thuyền của Mỹ đi xuyên qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Kênh đào chính thức đi vào hoạt động từ năm 1914.
Việc Mỹ kiểm soát kênh đào Panama đã dẫn đến sự phản đối sâu sắc của người dân. Năm 1977, hai nước ký hiệp ước tiến tới việc Mỹ trả kênh đào cho Panama vào năm 1999.
Tuy vậy, quan hệ giữa hai nước vẫn còn những bất ổn. Mối quan hệ giữa Mỹ và Panama dưới thời nhà độc tài Manuel Noriega đã dần trở nên căng thẳng vào thập niên 1980. Noriega từng là một điệp viên CIA, hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống ma túy nhưng khi nắm quyền ở Panama lại quay sang hỗ trợ các băng đảng ma túy, cung cấp nơi trú ẩn cho hoạt động phạm pháp như buôn bán và rửa tiền thông qua các ngân hàng Panama.
Mỹ huy động trực thăng tấn công Apache trong chiến dịch quân sự ở Panama. Ảnh: AFP.
Tình hình trở nên nghiêm trọng khi Noriega ngày càng sử dụng quyền lực để đe dọa các lợi ích của Mỹ ở kênh đào Panama. Ngày 15/12/1989, chính phủ Panama tuyên bố tình trạng chiến tranh với Mỹ, dù quốc tế coi đây chỉ là hành động mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, sự kiện ngày 16/12/1989 đã thay đổi mọi thứ: Một nhóm lính Mỹ đồn trú bị quân đội Panama (PDF) chặn lại ở chốt kiểm soát tại thành phố Panama City. Sau cuộc đọ súng, một lính Mỹ thiệt mạng và một người khác bị thương.
Tổng thống Mỹ George H.W. Bush coi đây là “giọt nước tràn ly”, ngay lập tức ra lệnh phát động chiến dịch quân sự với lý do bảo vệ công dân Mỹ, đảm bảo an toàn cho kênh đào Panama và bắt giữ Noriega. Chiến dịch được đặt tên là Just Cause (Chính Nghĩa).
Mục tiêu và quy mô chiến dịch
Cuộc can thiệp quân sự của Mỹ ở Panama gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: AFP.
Chiến dịch Chính Nghĩa được xây dựng dựa trên bốn mục tiêu chính:
• Bảo vệ an toàn cho khoảng 35.000 công dân Mỹ sống và làm việc tại Panama.
• Lật đổ nhà độc tài Manuel Noriega để khôi phục nền dân chủ và nhân quyền cho người dân Panama.
• Đảm bảo việc thực hiện đúng hiệp ước về chuyển giao kênh đào Panama.
• Đưa Noriega ra trước công lý với các cáo buộc liên quan đến ma túy.
Mỹ đã huy động gần 26.000 binh sĩ, kết hợp với 13.000 lính Mỹ đồn trú sẵn tại Panama, cùng nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại trong chiến dịch quân sự kéo dài hơn một tháng.
Đặc biệt, chiến dịch đánh dấu lần đầu tiên quân đội Mỹ triển khai máy bay trực thăng AH-64 Apache, xe bọc thép HMMWV (Humvee), và máy bay tàng hình F-117A Nighthawk trong thực chiến.
Panama là quốc gia Trung Mỹ nằm cách không xa nước Mỹ, lại không được nước ngoài hỗ trợ, nên gặp khó khăn đáng kể trước sức ép quân sự từ Wahsington.
Diễn biến chiến dịch
Mỹ từng huy động chiến đấu cơ tàng hình F-117A trong chiến dịch tấn công Panama.
Cuộc tấn công bắt đầu vào rạng sáng ngày 20/12/1989, với hàng loạt đợt tấn công dồn dập vào các mục tiêu quan trọng của quân đội Panama.
Trong giai đoạn đầu tiên, quân đội Mỹ nhanh chóng chiếm sân bay Punta Paitilla ở gần thủ đô Panama City. Đặc nhiệm SEAL có nhiệm vụ phá hủy máy bay cá nhân của Noriega. Đồng thời, đặc nhiệm “SEAL Team Two” tấn công tàu chiến riêng của Noriega, khiến ông này không thể rời khỏi Panama. Đặc nhiệm SEAL của Mỹ được chia làm nhiều đội khác nhau và “SEAL Team Two” là một trong số này.
Giai đoạn tiếp theo, các lực lượng Mỹ tập trung đánh vào khoảng hai chục trung tâm quân sự quan trọng của Panama, bao gồm tổng hành dinh La Comandancia. Tại đây, quân đội Panama chống trả quyết liệt, nhưng không thể ngăn cản các trực thăng Apache và bộ binh Mỹ tạo đột phá.
Tại Rio Hato, một căn cứ quân sự quan trọng, chiến đấu cơ tàng hình F-117A thả hàng loạt những quả bom nặng 900kg để mở đường cho lính dù thuộc sư đoàn đổ bộ đường không số 82. Đây là một trong những sư đoàn nổi tiếng và thiện chiến nhất của lục quân Mỹ.
Theo các chuyên gia, Mỹ đã thực hiện chiến dịch đổ bộ đường không lớn nhất kể từ sau Thế chiến II để áp đảo Panama. Sau 5 giờ giao tranh, căn cứ chủ chốt của Panama hoàn toàn bị Mỹ cô lập.
Bắt giữ Manuel Noriega
Nhà độc tài Panama Noriega bị bắt giữ và áp giải sang Mỹ. Ảnh; AFP.
Giao tranh diễn ra trong nhiều ngày với sự áp đảo hoàn toàn của Mỹ, cuối cùng khiến lực lượng Panama trung thành với Noriega tan rã. Nhà độc tài Panama bỏ trốn và tới trú ẩn tại Đại sứ quán Vatican. Mỹ không thể tiến vào khu vực này vì các quy định quốc tế, nên triển khai chiến thuật “chiến tranh tâm lý”. Các loa phát nhạc rock lớn suốt ngày đêm, với những bài như “You Shook Me All Night Long” của AC/DC và “Welcome to the Jungle” của Guns N’ Roses, nhằm gây áp lực buộc Noriega phải ra ngoài.
Cuối cùng, vào ngày 3/1/1990, sau nhiều ngày cố thủ, Noriega ra đầu hàng và bị áp giải về Mỹ để xét xử. Nhà độc tài Panama bị kết án 40 năm tù vì các tội danh liên quan đến ma túy và rửa tiền, sau đó tiếp tục bị dẫn độ sang Pháp và Panama. Noriega qua đời năm 2017 khi đang thụ án.
Hệ quả tới tận ngày nay
Cuộc can thiệp quân sự của Mỹ dẫn tới việc quân đội Panama bị giải thể hoàn toàn. Ảnh: AFP.
Trên thực tế, chiến dịch Chính Nghĩa của Mỹ vẫn được tiếp tục ở Panama cho đến ngày 31/1/1990. Mục tiêu của Mỹ là xóa sổ hoàn toàn quân đội Panama (PDF), buộc quốc gia này phải cam kết trung lập vĩnh viễn.
Sau khi chính quyền độc tài Noriega bị lật đổ, Mỹ chỉ định Guillermo Endara, lãnh đạo đối lập, làm Tổng thống Panama. Giới chức Mỹ dọa sẽ chiếm đóng lâu dài nếu ông Endara không đồng ý.
Mặc dù phản đối cuộc can thiệp quân sự của Mỹ nhưng ông Endara đã đồng ý làm Tổng thống. “Thực tế là tôi không có sự lựa chọn nào cả”, ông nói.
Trước tác động từ Mỹ, Quốc hội Panama sau đó quyết định giải thể quân đội và tập trung xây dựng lực lượng cảnh sát quốc gia. Panama trở thành quốc gia không quân đội, một trường hợp hiếm hoi trên thế giới.
Đổi lại, Mỹ tiếp tục thực hiện cam kết chuyển giao hoàn toàn kênh đào chiến lược cho Panama. Kênh đào được chuyển giao hoàn toàn cho chính phủ Panama vào năm 1999, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử đất nước này.
Chiến dịch Chính Nghĩa vấp phải nhiều chỉ trích từ các tổ chức quốc tế và một số quốc gia. Nhiều người cho rằng Mỹ vi phạm chủ quyền của Panama và gây ra thương vong lớn cho dân thường. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ khẳng định đây là hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia và khôi phục trật tự cho Panama.Lầu Năm Góc ước tính 516 người Panama thiệt mạng trong chiến dịch của Mỹ, bao gồm 314 binh sĩ nhưng con số thực tế được cho là lớn hơn nhiều. Phía Mỹ ghi nhận 23 binh sĩ và 3 dân thường mang quốc tịch Mỹ thiệt mạng.
Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và Nghị viện châu Âu khi đó từng lên án chiến dịch quân sự của Mỹ ở Panama.
Hơn ba thập kỷ sau cuộc tấn công của Mỹ, Panama đã chứng minh khả năng tồn tại và phát triển mà không cần quân đội. Quốc gia này tập trung vào xây dựng kinh tế, tận dụng lợi thế từ kênh đào chiến lược để trở thành trung tâm giao thương quốc tế.
Tuy nhiên, hậu quả của Chiến dịch Chính Nghĩa vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong lòng người dân Panama. Đối với nhiều người, đó là biểu tượng của sự can thiệp từ bên ngoài. Với một số khác, đó là cơ hội để bắt đầu lại từ đầu.
Nguồn: www.24h.com.vn Thứ Hai, ngày 23/12/2024 19:00 PM (GMT+7)