‘Bệnh nhân số 0’, Carnival và khởi nguồn của dịch Covid-19 tại Đức
10 min readÔng Bernd B., người quản lý một công ty bất động sản cùng với anh trai, đã chuẩn bị cho lễ hội Carnival tại Gangelt-Langroich, Đức từ hè năm trước.
Ngày 15/2, người đàn ông 47 tuổi tham dự một lễ hội truyền thống có tên là Kappensitzung trong trung tâm cộng đồng Langbroich. Khoảng 300 người đã tham dự buổi tiệc này đến tận chiều tối.
Một tuần sau, tình trạng của ông B. ngày càng xấu đi. Khi đến bệnh viện Erkelenz với vợ vào 11h sáng hôm đó, ông gần như không thể nói nổi. Ông bị cách ly và đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ nghi ông bị cúm do influenza gây ra, nhưng xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Trong đêm đó, ông B. phải thở máy. Các bác sĩ thấy ông có các triệu chứng của người nhiễm virus corona mới mặc dù ông B. không đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy hay Iran trong những tuần gần đây. Sau khi được xét nghiệm dịch tiết từ phổi, ông B. được xác nhận nhiễm Covid-19.
Ông B. được chuyển đến khu cách ly tại bệnh viện đại học ở Düsseldorf. Tình trạng của ông rất nguy kịch. Vợ ông, người ban đầu có kết quả âm tính nhưng lại dương tính trong một xét nghiệm sau đó, cũng được cách ly.
Hai người này là những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở bang North Rhine-Westphalia, Đức.
Cùng lúc đó, những ca nhiễm đầu tiên ở bang Baden-Wurmern, miền Nam nước Đức cũng được phát hiện: 1 người 25 tuổi đến từ Gotppingen đã đi Milan và một người 24 tuổi đi cùng anh ta đã nhiễm bệnh. Sau đó, cô lây virus cho người cha 60 tuổi của mình, một bác sĩ cấp cao trong khoa bệnh lý tại bệnh viện đại học ở thành phố Tübingen.
Vì bác sĩ 60 tuổi đã tham gia vào một cuộc họp của các bác sĩ cao cấp, một tá bác sĩ khác cũng bị cách ly.
Tính đến ngày 1/3, Đức có 129 ca nhiễm Covid-19 trên 9/16 bang của nước này. Không thể phủ nhận rằng dịch Covid-19 đã lan đến Đức. Sau nhiều tuần tránh né vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn phải nói rằng chúng ta “đang ở giai đoạn đầu của dịch”. Ông cũng thừa nhận “không rõ liệu chiến lược hiện tại để chấm dứt chuỗi lây nhiễm có hoạt động hay không.
Trong khi số ca nhiễm mới đang giảm ở Trung Quốc thì virus này đang lan rộng ở Hàn Quốc, Iran, Italy và từ đó lan ra khắp thế giới. Những ngày gần đây, Iraq, Afghanistan, Bahrain, Georgia, Na Uy, Hy Lạp, Romania, Brazil, Áo và Thụy Sĩ đều có những ca nhiễm đầu tiên.
Các nhà chức trách vẫn đang cố gắng làm chậm sự lây lan của virus trên khắp thế giới. Các chuyên gia hy vọng rằng virus Covid-19 có thể được kiểm soát cho đến khi mùa cúm kết thúc để hai dịch bệnh không diễn ra cùng lúc. Tuy nhiên, giới chức cũng cần lập kế hoạch điều trị cho hàng nghìn hay có thể là hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh ở Đức.
Liệu Đức có thực sự chuẩn bị tốt như Bộ trưởng Y tế Spahn đã tuyên bố trong nhiều tuần trước? Liệu “sự bình tĩnh” mà ông Spahn gợi ý có thực sự đủ để Đức vượt qua khủng hoảng? Liệu Đức có được trang bị để chống lại một loại virus có thể gây ra thiệt hại “vượt xa cả tình trạng y tế khẩn cấp” như ông Jeremy Farrar, giám đốc của Wellcome Trust, một trong những tổ chức nghiên cứu y tế lớn nhất của thế giới nói?, Der Spiegel đặt vấn đề.
Vào hôm 26/2, hàng nghìn người đã đến phòng khám và yêu cầu được xét nghiệm mặc dù không có bất kỳ triệu chứng nào. “Chúng tôi bị quá tải với những yêu cầu xét nghiệm. Thật điên rồ”, điều dưỡng trưởng của thị xã Erkelenz, ông Stephan Demus nói với Der Spiegel.
Sau đó, người ta phát hiện vợ ông Bernd B. làm việc tại một nhà trẻ. Giới chức yêu cầu tất cả trường học và nhà trẻ trong khu vực đóng cửa cho đến ngày 2/3. “Chúng tôi không thể đảm bảo rằng chúng tôi có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm”, ông Karl-Josef Laumann, người phụ trách y tế của North Rhine-Westphalia nói trong một cuộc họp báo hôm 26/2.
Các nhà chức trách ở thành phố Cologne, bang North Rhine-Westphalia cũng hoảng hốt. Ông Bernd B. gần đây đã đến bệnh viện đại học ở Cologne hai lần vào ngày 13 và 19/2 để nội soi dạ dày và siêu âm.
Ông B. đã tiếp xúc với 10 nhân viên bệnh viện và 31 bệnh nhân khác khi đến đây. Tối hôm đó, ông Julian Niessen, người đứng đầu cơ quan y tế của thành phố Cologne, đã gọi 10 nhân viên và yêu cầu họ ở nhà vào ngày hôm sau.
Liên lạc 31 bệnh nhân trên sẽ còn lâu hơn nữa. “Một trong số họ đang ở Tripoli”, ông Niessen cho biết.
Nếu tại thời điểm này, các bác sĩ nhiễm virus khiến nhiều nhân viên bệnh viện bị cách ly cùng với việc không thể giải mã được chuỗi lây nhiễm và những người đang chống dịch phải làm việc quá sức, điều gì sẽ xảy ra khi có lẽ hàng nghìn người nhiễm bệnh đến phòng cấp cứu trong những tuần tới?
“Không được xem nhẹ mọi loại virus dễ lây truyền, tấn công vào phổi và có thể gây tử vong như Covid-19”, ông Florian Klein, giám đốc Viện Virus học tại bệnh viện đại học ở Cologne nói. “Đặc biệt là khi SARS-CoV-2 (Virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng 2) đang lây nhiễm trong các cộng đồng chưa được miễn dịch”.
Và theo ông Heiko Schneitler, người đứng đầu cơ quan y tế thành phố Düsseldorf, bang North Rhine-Westphalia, cần hơn 20 năm để hoàn thành việc chuẩn bị cho một đại dịch như thế này.
Đức, quốc gia chi nhiều tiền vào y tế hơn hầu hết quốc gia khác ở châu Âu, chỉ xếp trung bình so với các quốc gia khác trong việc chuẩn bị cho đại dịch. Các chuyên gia quốc tế xếp Đức đứng thứ 14 trên 195 quốc gia trong Chỉ số an ninh sức khỏe toàn cầu (GHS). Về “Chuẩn bị ứng phó và lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp”, Đức chỉ đứng thứ 67.
“Chúng tôi chưa chuẩn bị gì cả”, ông Michael Kochen, chủ tịch Đại học Bác sĩ Đa khoa và Bác sĩ Gia đình Đức (DEGAM) nói với Der Spiegel. “Trạm xe buýt, trạm tàu điện ngầm và các cột quảng cáo không có áp phích kêu gọi mọi người thường xuyên rửa tay và ho vào khăn tay hay tay áo. Trang web của Viện Robert Koch (trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đức) khó sử dụng đến mức bạn hầu như không thể tìm thấy thông tin quan trọng”.
Các chuyên gia y tế đặc biệt lo ngại về việc thiếu khẩu trang có lớp lọc FFP-3 và quần áo bảo hộ. “Tôi nghĩ rằng mỗi bác sĩ nên có 20 đến 100 khẩu trang và quần áo bảo hộ”, ông Frank Unger, một bác sĩ đa khoa ở quận Marzahn của Berlin nói.
Trên thực tế, tại Đức vào lúc này không thể tìm được khẩu trang và quần áo bảo hộ, những thứ được sản xuất tại Trung Quốc.
Bộ Y tế Đức nhận thức được việc thiếu hụt nguồn cung. Một số nhà máy ở châu Âu sản xuất khẩu trang và quần áo bảo hộ “không thể bù đắp” cho sự gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, Bộ Y tế Đức nói trong một cuộc họp.
Các quốc gia như Đài Loan và Hàn Quốc đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu quần áo bảo hộ, theo Bộ Y tế Đức. Và các sản phẩm có sẵn ngày càng đắt hơn. Người phát ngôn của Liên đoàn Bệnh viện Đức cho biết hộp 50 khẩu trang bình thường từng có giá chỉ 3,95 euro (4,36 USD) hiện được bán trên Amazon với giá 150 euro (166,92 USD).
Việc thiếu nguồn cung như vậy có thể gây ra vấn đề nguy hiểm. Không có quần áo bảo hộ đầy đủ, các bác sĩ và nhân viên y tế có thể nhiễm Covid-19. Ai sẽ chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện đang bị thiếu hụt nhân sự?
Vấn đề này đang là ưu tiên hàng đầu trong đội ngũ quản lý khủng hoảng của chính phủ Đức. “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để xem Đức còn lại bao nhiêu”, ông Spahn nói. “Và trên hết là đảm bảo không sản phẩm nào được đưa ra khỏi Đức, cho dù bằng cách thu giữ hoặc cấm xuất khẩu”.
Nguồn: news.zing.vn