Bão Trà Mi vào Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng
17 min read
– 6h sáng, tâm bão cách Đà Nẵng 110 km, tốc độ di chuyển 15-20 km/h – 8h30, bão gây gió mạnh cấp 6-7 ở vùng ven biển Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế – Hàng loạt cây xanh gãy đổ ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng – Từ đêm qua đến sáng nay, bão gây mưa to, có nơi trên 300 mm – Nhiều khu vực đô thị, ven biển của Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế bị ngập – Lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đang lên |
Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định khai thác trở lại sớm hơn dự kiến với 4 sân bay sau khi đánh giá thông tin khí tượng lúc 10h sáng nay.
Cụ thể, trong ngày 27/10, Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) sẽ được khai thác trở lại từ 13h; sân bay quốc tế Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế) sẽ hoạt động 16h; sân bay Đồng Hới khai thác từ 17h (giờ địa phương).
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tạm dừng hoạt động của 4 sân bay này đến 19h ngày 27/10 hoặc đến 10h sáng 28/10 do ảnh hưởng của bão Trà Mi.
Mưa lớn làm ngập một số tuyến đường lên huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Cầu tràn Đakrông trên quốc lộ 15D nước dâng cao 1,2 m, giao thông bị chia cắt.
Các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan ở Quảng Trị đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm dự trữ, xăng dầu và bảo quản, bảo dưỡng tàu, thuyền sẵn sàng cho nhiệm vụ phòng, chống bão Trà Mi khi có tình huống xảy ra.
Đường ở miền núi Quảng Trị ngập do mưa lớn. Ảnh: Võ Thạnh
Nước tràn qua cầu tràn ở miền núi Quảng Trị. Ảnh: Võ Thạnh
Lực lượng chức năng chốt chặn ở các đoạn đường ngập, căng dây cảnh báo không cho người dân qua lại. Ảnh: Võ Thạnh
Sóng lớn, nước biển dâng khoảng 0,5 m khiến nước ồ ạt chảy vào xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những ngày qua, khu vực này bị sạt lở ăn sâu vào đất liền hơn 50 m.
Nước biển dâng cao, biển tràn qua khu vực đập Hòa Duân vào phá Tam Giang, thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang. Nhiều khu dân cư bị ngập.
Cảnh sát lái ca nô đi vận động người dân ở Huế tránh bão. Video: Võ Thạnh
Tại TP Huế, nước sông Hương đang dâng cao, tràn qua Đập Đá. Cảnh sát giao thông đường thủy đã tuyên truyền người dân buộc thuyền cẩn thận, di tản khỏi thuyền để đảm bảo an toàn.
Nước sông Hương ở TP Huế đang dâng cao. Ảnh: Võ Thạnh
Nhiều tuyến đường ở Huế bắt đầu ngập sâu. Ảnh: Võ Thạnh
Khu vực bãi tắm xã Phú Thuận, huyện Phú Vang bị sóng biển tràn qua. Ảnh: Võ Thạnh
Gió lớn đã khiến nhiều cây xanh trên các tuyến đường trung tâm như Quang Trung, Nguyễn Văn Linh gãy đổ. Trên phố Bạch Đằng ven sông Hàn, hàng loạt cây xanh trồng trong chậu đã được hạ xuống nhưng vẫn bị gió bão đẩy xê dịch. Nhiều quán hàng bán đồ ăn uống tại những khu vực ít nhà cửa đã bị gió giật tốc mái, nhiều vật dụng bên trong hư hỏng.
Cũng giống ở cầu Rồng, tại cầu Trần Thị Lý, gió lớn khiến việc đi lại của người dân qua các cây cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý gặp khó khăn, nhiều người phải dừng xe ngay trên cầu. Ôtô đi qua đã chủ động dừng lại, chờ người đi xe máy và cùng di chuyển để che chắn gió.
Cây xanh ở trung tâm Đà Nẵng gãy đổ đã được cắt tỉa. Ảnh: Nguyễn Đông
Hàng quán ven sông Hàn hư hỏng. Ảnh: Nguyễn Đông
Cây xanh bật gốc ở trung tâm Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Một khách sạn ở quận Hải Châu thuê xe container để che chắn phía trước khách sạn để tránh gió quật hư hỏng. Ảnh: Nguyễn Đông
Chậu hoa trang trí ven sông Hàn bị gió quật đổ. Ảnh: Nguyễn Đông
Ôtô che chắn gió giúp tài xế xe máy đi qua cầu Trần Thị Lý. Ảnh: Nguyễn Đông
Tại biển Cửa Đại, TP Hội An có gió giật cấp 6, sóng biển cao 2 m. Trời mưa nhỏ, nhưng sóng biển vượt qua bờ kè mềm bằng bao tải gây hư hỏng. Một số đoạn kè bị cuốn trôi.
Tại chợ Cầu, phường Cửa Đại, TP Hội An, anh Quân, dân quân tự vệ phường cùng 5 người mặc áo mưa ra bờ biển xúc cát cho vào bao tải chở về gia cố mái chợ. Gần 10 bao cát được đưa lên xe kéo chở về chất lên mái, phòng tránh cả mái tôn chợ bị hất bay.
Anh Quân xúc cát cho vào bao tải chở về gia cố mái chợ Cầu ở phường Cửa Đại. Ảnh: Đắc Thành
Ông Hứa Văn Hướng, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên mang cuộn dây thừng cho vào thuyền thúng để gia cố thêm chiếc tàu tránh bão trong rừng đước. Hôm qua ông đã neo tàu, nhưng lo ngại nó bị đẩy ra biển. “Cơn bão này rất khác, gió từ biển vào, còn cơn bão này ngược lại”, ông nói.
Ông Hướng chèo thuyền thúng ra rừng đước để gia cố thêm con tàu đang trú ẩn trong đó. Ảnh: Đắc Thành
Do ảnh hưởng bão, nhiều cây đổ vào đường ray chạy song song đường bộ qua Đà Nẵng. Ngành đường sắt đã thông báo tạm dừng khai thác hai đôi tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” giữa Huế và Đà Nẵng là HD1/2 và HD3/4 trong ngày 27/10. Đoàn tàu SE5 đang dừng tại ga Huế sáng nay để chờ xử lý cây gãy đổ trên đường sắt.
Nhiều cây đổ tại đường Nại Nam 3, khu thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo Khu Quản lý đường bộ 2, bão đang gây gió mạnh tại khu vực phía bắc hầm Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khu vực trạm thu phí tại Lăng Cô bị tắc đường do nhiều xe dừng tránh bão và đường ngập.
Để tránh ùn tắc xe trong hầm Hải Vân, đơn vị quản lý đã tạm dừng xe phía nam của hầm theo hướng từ Nam ra Bắc, không cho xe vào hầm lúc 7h15 để chờ đường phía Bắc thông đường. Hướng xe từ Bắc vào Nam vẫn được lưu thông bình thường.
Một xe tải bị lật trên đường dẫn vào Hải Vân khu vực biển Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Cục Đường bộ VN
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lượng mưa từ 19h hôm qua đến 8h hôm nay ở Thủy Thanh (Thừa Thiên Huế) gần 310 mm, Hải An (Quảng Trị) hơn 270 mm, Hồ Sông Thai (Quảng Bình) hơn 180 mm…
Nước trên sông Bến Hải (Quảng Trị) và sông Hương (Thừa Thiên Huế) đang lên và ở trên mức báo động một, các sông khác Hà Tĩnh – Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có dao động.
Dự báo từ hôm nay đến 29/10, trên các sông Hà Tĩnh – Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có khả năng xuất hiện lũ với biên độ lên trên các sông 3-6 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông Quảng Bình – Quảng Nam lên mức báo động 2-3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum lên trên mức báo động 1.
Hiện Đà Nẵng mưa to, gió lớn, các tài xế xe máy khi di chuyển qua cầu Rồng ở quận Hải Châu gặp nhiều khó khăn. Một số tài xế ôtô đã chủ động dừng lại hỏi han, sau đó đi chậm bên cạnh để chắn gió ngang, giúp xe máy có thể di chuyển chậm đi qua cầu.
Lúc này, tại khu vực ven sông Hàn, gió mạnh đã quật gãy đổ nhiều châu hoa trang trí.
Ôtô chắn gió giúp tài xế xe máy đi qua cầu Rồng. Video: Nguyễn Đông
Gió mạnh tại vùng biển, cây gãy đổ ở Thừa Thiên Huế. Video: Võ Thạnh
Mưa lớn kèm theo gió giật làm một số cây xanh trên đường Lê Quý Đôn, Lý Thường Kiệt ở TP Huế gãy đổ. Để tránh tắc đường, nhân viên Trung tâm Công viên cây xanh Huế tiến hành dọn dẹp, cắt tỉa ngay. Trước đó, mưa lớn từ đêm qua đến sáng nay khiến nhiều tuyến đường ở khu đô thị mới An Vân Dương bị ngập sâu.
Nằm bên phá Tam Giang, nhiều khu dân cư ở phường Thuận An bị nước tràn vào gây ngập 0,3-0,5 m khi triều cường lên cao.
Nhà dân bên phá Tam Giang ngập sâu. Ảnh: Võ Thạnh
Đường phố Huế ngập, xe chết máy. Ảnh: Võ Thạnh
Cây xanh gãy đổ ở TP Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Công nhân môi trường thu dọn cây đổ. Ảnh: Võ Thạnh
Do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão Trà Mi, tại TP HCM đã xảy ra mưa trên diện rộng từ sáng sớm. Mưa kéo dài đến 9h khiến bầu trời mù mịt, người dân gặp do khó khăn khi đi lại. Lượng mưa phổ biến 10-20 mm, có nơi mưa to hơn 50 mm. Theo Đài khí tượng thuỷ văn Nam bộ, mưa còn kéo dài đến chiều tối nay, đề phòng giông sét.
Người dân lái xe máy trong mưa lớn qua cầu Kinh Thanh Đa, quận Bình Thạnh, lúc 9h30 ngày 27/10. Ảnh: Đình Văn
Trong cuộc họp chỉ đạo phòng chống bão Trà Mi với bộ ngành và các địa phương, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với Tập đoàn Công Nghiệp – Viễn thông quân đội sử dụng UAV để phát hiện vết nứt lớn, kéo dài.
“Khi đã mưa 1-3 ngày cùng với các vết nứt trước đây cũng như đứt gẫy địa chất thì khả năng sạt lở rất cao. Chúng ta chưa có điều kiện dự báo quan trắc chính xác thì việc cảnh báo để di dời dân cư là rất quan trọng. Do đó cần bay để khảo sát khu vực tập trung đông dân cư, khu vực có đứt gãy địa chất, việc này cần thực hiện khẩn trương, kịp thời”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng đề nghị cơ quan khí tượng đưa ra dự báo sát hơn về thời điểm bão vào, đặc biệt với vùng xung yếu để tập trung lực lượng phòng chống hệ thống đê biển có thể bị vỡ. Hiện nay các hồ chứa, đập thuỷ điện trong thời gian tích nước, chưa có nguy cơ cao nhưng các đơn vị quản lý như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nắm chắc thông tin các hồ không để đến lúc xảy ra trường hợp tất cả các hồ phải xả nước cùng một lúc.
Bộ Giao thông Vận tải, Thông tin và truyền thông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng được yêu cầu chủ động phối hợp để đảm bảo kết nối thông suốt.
Theo dự báo lúc 16h hôm qua của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, khoảng 16h hôm nay tâm bão trên vùng biển ven bờ các tỉnh Trung Trung Bộ. Tuy nhiên, bão đã đi nhanh hơn và chúc xuống nam nhiều hơn nên áp sát bờ sớm hơn.
Dự báo khoảng 10-11h hôm nay bão vào khu vực Thừa Thiên Huế – Quảng Nam. Trên đất liền Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng tâm bão Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam cấp 8-9, giật cấp 11.
Theo phân loại, bão cấp 8-9 (tối đa 88 km/h) có thể làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện, gây thiệt hại rất nặng. Biển động dữ dội, làm đắm tàu thuyền.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão lúc 7h ngày 27/10. Ảnh: NCHMF
Quảng Ngãi từ chiều qua có mưa với lượng mưa đo được khoảng 33,6 mm ở trạm Sơn Long, nhỏ hơn 6 lần so với tâm mưa Đà Nẵng. Lý Sơn gió cấp 6, nhỏ hơn 2 cấp so với Cồn Cỏ và Cù Lao Chàm. Chị Lê Hằng, chủ quán bên bờ biển Lý Sơn, cho biết đảo sáng nay không có mưa. Khoảng 6h hôm nay, sóng khá to sau đó êm. Đa số người dân ở trong nhà đón bão.
Cầu cảng Lý Sơn sáng nay 27/10. Ảnh Lê Hằng
Nhận định cơn bão Trà Mi sẽ ảnh hưởng, Huyện đảo Lý Sơn dừng tàu ra đảo từ 5 ngày trước do sóng lớn, toàn bộ du khách đã rời đảo. Các lồng bè, tàu thuyền được đưa đến nơi an toàn, giằng chống nhà cửa và chuẩn bị lương thực trong tình huống bị cô lập kéo dài với đất liền.
Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Quảng Ngãi, cách đất liền 30 km, rộng hơn 10 km2, dân số hơn 22.000. Đảo thường đón bão đầu tiên nên người dân quen với việc chủ động phòng chống, song những cơn bão lớn vẫn gây thiệt hại nặng nề. Đơn cử bão Ketsana năm 2009 gió giật cấp 12 đã đánh sập cầu cảng Lý Sơn, gây mưa gió suốt 24 giờ trên đảo.
Sáng nay, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Quảng Ngãi cùng đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi đến huyện Trà Bồng để làm việc về bão lũ và nguy cơ sạt lở ở địa phương. Bà Vân sau đó thị sát khu vực nguy cơ sạt lở và thăm người dân ở điểm tránh trú bão. Sau đó, bí thư Quảng Ngãi tiếp tục ra phía bắc tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão lũ ở huyện Bình Sơn. Đây là hai địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng lớn từ bão Trà Mi.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão Trà Mi, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) gió cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gió mạnh cấp 7; Thừa Thiên Huế gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Bà Nà (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 6, giật cấp 13.
Khu vực từ Quảng Bình – Đà Nẵng từ đêm qua đến sáng nay đã có mưa to, lượng mưa phổ biến 50-150 mm, cục bộ có nơi mưa to trên 250 mm.
Đường phố Huế ngập sâu 0,5 m sáng 27/10. Ảnh: Võ Thạnh
Trà Mi hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi phía đông Philippines, ngày 22/10 mạnh lên thành bão, ngày 23/10 hoành hành ở Philippines làm ít nhất 66 người chết, 47.500 người phải sơ tán do mưa lớn, ngập lụt.
Chiều 24/10, bão vào Biển Đông, mạnh cấp 9, trở thành cơn bão thứ sáu trên vùng biển này. Bão sau đó tăng cấp tiến vào bờ biển Trung Trung Bộ, đạt cực đại cấp 12 (133 km/h) vào trưa 26/10, sau giảm cấp dần khi tiến đến bờ biển.
Do bão chịu tác động của không khí lạnh từ phương bắc tràn xuống và một cơn bão mới hình thành ở phía đông Philippines nên đường đi của bão hơi dị thường, vào bờ rồi có thể quặt ra biển.
Nguồn: www.24h.com.vn