VN Trends

Mọi người đang quan tâm điều gì ?

Ảnh vệ tinh trước và sau vụ nổ Beirut

3 min read
LEBANONẢnh vệ tinh do công ty Planet Labs chia sẻ cho thấy miệng hố khổng lồ xuất hiện ở khu vực xảy ra vụ nổ hôm 4/8 tại cảng Beirut.

Trong ảnh chụp vệ tinh của Planet Labs, gần như tất cả tòa nhà trong khu vực gần tâm vụ nổ bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại phần lớn. Các kho thóc kích thước lớn ở giữa bán đảo vẫn đứng vững. Tuy nhiên, hai tòa nhà ở tâm vụ nổ đã biến mất nhường chỗ cho miệng hố lớn do nước biển khoét vào đất liền.

Mọi tòa nhà ở phía nam bến cảng bị hư hại nghiêm trọng. Một số công trình chỉ còn trơ lại phần cốt. Một số khác sụp đổ thành đống gạch vụn.

Sức công phá của vụ nổ kho hàng, nơi cất trữ 2.750 tấn ammonium nitrate, tác động trực tiếp đến cầu cảng phía đông tâm chấn. Một tòa nhà đã biến mất và con tàu lớn đậu ở phía trước bị sóng xung kích thổi lật ngang.

Khu dân cư liền kề phía đông cảng Beirut cũng bị hư hại. Mái của các ngôi nhà dường như không còn nguyên vẹn.

Những tòa nhà lớn ở phía tây tâm chấn có phần mái bị biến dạng rõ rệt sau vụ nổ.

Thống đốc Beirut Marwan Abboud ngày 5/8 cho biết vụ nổ tại cảng gây thiệt hại ước tính 3 tỷ USD cho hơn 50% diện tích của thủ đô. Khoảng 300.000 cư dân của Beirut sẽ rơi vào cảnh vô gia cư. Vụ nổ tạo ra đám mây hình nấm và sóng xung kích có thể cảm nhận từ khoảng cách 240 km.

Ammonium nitrate (NH4NO3), sử dụng trong phân bón và chế tạo bom, là một loại muối chứa ammonium và axit nitric, rất dễ bổ. Càng sử dụng nhiều NH4NO3, công lực vụ nổ càng mạnh.

NH4NO3 thường được dùng để tăng tỷ lệ nitơ trong phân bón. Hợp chất này khá ổn định trong phần lớn điều kiện và có chi phí sản xuất rẻ, biến chất hóa học thông dụng thay thế những nguồn nitơ khác đắt đỏ hơn. Nhưng NH4NO3 cũng có một khuyết điểm có khả năng gây chết người. Hợp chất này được coi như một chất oxy hóa, có nghĩa ở cấp nguyên tử, nó khử electron khỏi các hợp chất khác trong phản ứng hóa học. Trên thực tế, NH4NO3 đẩy mạnh khả năng cháy của nhiên liệu thông qua tăng lượng oxy có sẵn trong những nhiên liệu đó.

Để bắt đầu phản ứng, NH4NO3 phải tiếp xúc với tia lửa hoặc nguồn kích nổ khác. Trong vụ nổ ở Beirut, các chuyên gia nghi ngờ nguyên nhân liên quan đến pháo hoa. Sau khi phản ứng được châm ngòi, NH4NO3 sẽ phát nổ dữ dội. Lực nổ sinh ra khi NH4NO3 ở thể rắn phân hủy nhanh chóng thành hai loại khí là oxit nitơ và hơi nước.

An Khang (Theo CNN, Live Science)

Nguồn: vnexpress.net

Chia sẻ ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *