Tòa xét đơn xin giảm án tử hình của bà Trương Mỹ Lan trong 20 ngày
2 min readTòa phúc thẩm cũng xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 46 bị cáo khác về các sai phạm liên quan đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong đó có ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước)…
Riêng ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch tập đoàn Capella xin giảm nhẹ hình phạt 8 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Lan.
Tòa cũng xem xét kháng cáo của bị hại trong vụ án là SCB cùng một số cá nhân, tổ chức có liên quan, trong đó có Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
HĐXX gồm 3 thẩm phán cao cấp, do Chánh Tòa Kinh tế TAND Cấp cao tại TP HCM Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa.
Tham gia phiên tòa có gần 100 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại, người liên quan. Bà Lan có 5 luật sư là Phan Trung Hoài, Giang Hồng Thanh, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Thị Huyền Trang.
Hồi tháng 4, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Tòa xác định thiệt hại của vụ án là 677.000 tỷ đồng tính đến ngày 17/10/2022 (khởi tố vụ án). Tuy nhiên, đến nay có một số khoản vay liên quan đến bà Lan và Vạn Thịnh Phát đã được tất toán, bị cáo cũng nộp thêm một số tiền khắc phục hậu quả nên còn bồi thường gần 674.000 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm xác định, từ năm 2011, bà Lan thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành SCB. Lợi dụng chính sách của Nhà nước trong đề án tái cơ cấu SCB, bà Lan sử dụng nhà băng như một công cụ tài chính để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân và Hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.
Nguồn: vnexpress.net