Mỹ và châu Âu vượt châu Á về ca nhiễm mới virus corona
4 min readSố người Mỹ và châu Âu nhiễm virus corona mới đã tăng mạnh trong một tuần qua, nâng tổng số ca bệnh trên toàn cầu vượt mức 100.000. Không có dấu hiệu rõ ràng cho thấy dịch sẽ sớm kết thúc, dù có hy vọng rằng thời tiết ấm hơn sẽ làm chậm tốc độ lây lan, theo Nikkei Asian Review.
Khoảng 106.000 người trên toàn thế giới đã nhiễm chủng virus, tên chính thức là SARS-CoV-2, tính đến sáng 8/3, theo thống kê được cập nhật theo giờ của Đại học John Hopkins, Mỹ.
Italy, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất ngoài châu Á, đã chứng kiến số ca nhiễm virus corona tăng gấp 5 lần trong một tuần tính từ ngày 29/2, lên đến hơn 4.600 người. Số ca nhiễm tiếp tục tăng lên đến gần 5.900 người, tính đến sáng 8/3, với 233 ca tử vong.
Mỹ cũng chứng kiến số ca nhiễm tăng gấp 5 lần trong cùng giai đoạn, nhưng một số nước châu Âu cho thấy tốc độ gia tăng thậm chí còn cao hơn. Số ca nhiễm tăng 11 lần ở Pháp và Đức, hơn 12 lần ở Tây Ban Nha và gấp 21,4 lần ở Thụy Sĩ, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại Mỹ, ít nhất 21 ca Covid-19, căn bệnh do virus này gây ra, đã được xác nhận trên tàu du lịch Grand Princess đang đậu ở ngoài khơi California. Việc này làm dấy lên mối lo ngại rằng Mỹ có thể lâm vào tình cảnh tương tự Nhật Bản, nơi chứng kiến hàng trăm người nhiễm virus trên tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly tại Yokohama.
Trong khi đó, các quan chức y tế ở Macao, kinh đô cờ bạc ở bờ biển phía nam Trung Quốc, hôm 6/3 thông báo bệnh nhân Covid-19 cuối cùng của họ đã bình phục hoàn toàn và thành phố không có thêm ca nhiễm mới trong hơn một tháng.
Mặc dù sự lây lan của virus tại Trung Quốc dường như chậm lại, sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm ở những nơi khác đã tiếp tục đẩy quy mô dịch Covid-19 vượt xa Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng, hay SARS, trong năm 2002-2003 và Hội chứng Hô hấp Trung Đông năm 2012.
Diễn biến này “gây quan ngại sâu sắc”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên hôm 6/3.
Michael Ryan, Giám đốc điều hành của Chương trình Khẩn cấp Y tế thuộc WHO, hôm 6/3 cũng nói không có bằng chứng nào chứng minh cho quan điểm rằng virus sẽ ngừng lây lan vào mùa hè. Thế giới nên mặc định rằng virus vẫn sẽ tiếp tục lây lan, theo ông Ryan.
Trung Quốc, nơi dịch bệnh khởi phát, chiếm khoảng 80% tổng số ca bệnh trên toàn cầu, theo Đại học Johns Hopkins.
Ông Tedros bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đối với các nước đang phát triển thiếu cơ sở hạ tầng y tế để đối phó với sự bùng phát của Covid-19. WHO đã kêu gọi các nước tăng cường năng lực y tế cũng như kiểm soát biên giới.
Nhiều nước đã áp đặt hạn chế đi lại, trong khi các sự kiện công cộng, các chuyến đi bị hủy bỏ. Việc dòng di chuyển người và hàng hóa chậm lại có nguy cơ gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 có thể giảm xuống mức chưa từng có kể từ năm 2009, năm ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nguồn: news.zing.vn