VN Trends

Mọi người đang quan tâm điều gì ?

Chủ tịch HN gọi điện cho cô gái nhiễm Covid-19 ‘yêu cầu cấp thông tin’

5 min read
Ngay khi nghe báo cáo sơ bộ về nữ bệnh nhân nghi dương tính với Covid-19, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã xin số điện thoại, gọi cho người này hơn 1 tiếng để trao đổi thông tin.

21h30 tối 6/3, Hà Nội chính thức xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Đây là ca bệnh thứ 17 của cả nước. Bệnh nhân là N.H.N. (26 tuổi, ở số 125 Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội), có lịch trình di chuyển phức tạp qua một số quốc gia hiện là vùng dịch trước khi trở về Việt Nam.

Chính quyền xác định bệnh nhân này không chủ động khai báo với nhà chức trách. Chỉ đến khi về nhà, người này mới tự cách ly, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ ngay khi nghe báo cáo ban đầu về trường hợp ca bệnh này, dù chưa có kết luận chính thức, ông vẫn có “linh tính” về ca nhiễm này.

“Trên đường đi, khi nghe anh Hiền (ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) báo cáo sơ bộ về trường hợp dương tính, tôi gọi cho Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Anh Long nói bình tĩnh chờ xét nghiệm lại lần nữa, nhưng khi đó tôi có linh tính nên đã chủ động xin số điện thoại của nữ bệnh nhân để gọi”, ông Chung chia sẻ.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Hải Nam.

Sau đó, ông Chung đã gọi cho bệnh nhân N.H.N. trao đổi thông tin, đề nghị cô này cộng tác với thành phố.

Theo Chủ tịch Hà Nội, cuộc gọi của ông với nữ bệnh nhân kéo dài hơn 1 tiếng nhằm khai thác, trao đổi mọi thông tin về lịch trình của cô này trước khi bị xác định nhiễm Covid-19.

Nói về thái độ của nữ bệnh nhân, ông Chung cho hay cô N. bình tĩnh nhưng buồn và hoang mang khi thấy rất nhiều người chửi mình trên mạng xã hội.

Sau trường hợp ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tất cả người dân cùng tham gia kiểm soát chặt chẽ những người nhập cảnh vào Việt Nam. “Tất cả đều phải khai báo y tế, bất kể là người nào, bất kể công dân Việt Nam hay nước ngoài đều phải khai báo rõ lịch trình”, ông Chung yêu cầu.

Chốt kiểm soát tại phố Trúc Bạch (Ba Đình) được dựng lên ngay sau khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên cư trú tại khu vực này. Ảnh: Phạm Thắng.

Một chỉ đạo khác được ông đưa ra là các cơ sở y tế phải có khu khám riêng dành cho những trường hợp có dấu hiệu nhiễm Covid-19. Khi thăm bác, y bác sĩ phải trang bị đẩy đủ trang phục, thiết bảo hộ y tế theo đúng quy trình, tiêu chuẩn, tránh trường hợp như Bệnh viện Hồng Ngọc.

“Chỉ trong thời gian thăm khám, Bệnh viện Hồng Ngọc có 17 y, bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm mà không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào”, ông Chung nêu thực tế. Ông đề nghị ngành y tế ngay sáng 7/3 phải tổ chức quán triệt và rút kinh nghiệm về việc này. Đồng thời, đề nghị toàn thành phố chống dịch với tinh thần quyết liệt nhưng bình tĩnh, không chủ quan.

Theo ông Chung, Hà Nội đang bước vào giai đoạn thách thức, khó khăn hơn, nguy cơ lây nhiễm cao hơn khi dịch bệnh đã lây ra 98 nước. “Trong đó, Hà Nội có nguy cơ cao nhất vì công dân 98 nước này đều hiện diện ở Hà Nội. Và công dân Hà Nội đi du lịch, công tác đều liên quan đến các nước châu Âu, đặc biệt những nước có nguy cơ lớn như Anh, Pháp, Italy”, Chủ tịch thành phố chia sẻ.

Vì vậy, mọi người phải nhận thức mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, chỉ cần 1 người mắc có thể lây nhiễm cho cả cộng đồng nên đi đâu từ vùng dịch về phải tự giác khai báo, tự giác cách ly, tránh kéo dài thời gian làm mất “thời gian vàng”, tạo nguy cơ lây nhiễm lớn hơn.

Nguồn: news.zing.vn

Chia sẻ ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Categories