Chuyện khẩu trang và giá thịt heo
5 min readCũng là dịch bệnh, với COVID-19 mọi người quan tâm nhiều đến giá khẩu trang có lúc tăng cả chục lần. Còn với dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi mất tài sản là đàn heo, người tiêu dùng cũng vạ lây khi giá thịt heo tăng cao ngất ngưởng.
Khi nhiều nhà thuốc găm hàng, đẩy giá khẩu trang lên cao để kiếm lời, chính quyền hành động dứt khoát. Đã có chỉ đạo Bộ Y tế rút ngay giấy phép của nhà thuốc bán khẩu trang giá cao. Nhưng không cần đến rút giấy phép, với mức phạt hàng chục triệu đồng, các nhà thuốc tăng giá khẩu trang đã sợ, góp phần hạ nhiệt giá khẩu trang.
Còn với dịch tả heo châu Phí, không chỉ bào mòn túi tiền người dân, giá thịt heo tăng kéo dài hơn sáu tháng đã “gây chuyện”, đe dọa đến chỉ số giá tiêu dùng. Việc cho nhập khẩu thịt heo để tăng nguồn cung cũng không hiệu quả. Lãnh đạo Chính phủ đã phê bình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông vì dự báo không sát tình hình thiếu thịt heo khiến giá tăng cao.
Nhưng sau vụ phạt nhà thuốc tăng giá bán khẩu trang, có vẻ đã “lóe” ra hướng giải quyết với giá thịt heo. Mới nhất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường ngày 13-2 đã “đanh thép” với doanh nghiệp chăn nuôi heo: “Bộ kêu gọi doanh nghiệp lớn từ tuần tới cùng giảm giá, tuần tiếp theo chưa giảm sẽ chuyển sang yêu cầu giảm, nếu vẫn không giảm sẽ căn cứ vào luật trong phòng chống dịch bệnh để yêu cầu doanh nghiệp giảm giá xuống ở mức hợp lý”. Giá heo hơi đang xoay quanh 80.000 đồng/ký trong khi theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay lúc dịch bệnh, chi phí sản xuất cao, mức bán 40.000 đồng/ký là đã có lãi.
Như vậy, sau nhiều tháng loay hoay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có xu hướng áp dụng “tình trạng dịch bệnh” để điều tiết thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng, phá thế bế tắc hạ nhiệt giá thịt heo. Như lời ông Nguyễn Xuân Cường, “không có chuyện để Thủ tướng chỉ đạo phải giảm giá thịt heo mà không thực hiện”.
Dịch COVID-19 hay dịch tả heo châu Phi là những chuyện cực khó mà người dân phải đối mặt, cần sự hóa giải từ chính quyền các cấp. Nhưng hằng ngày còn vô vàn chuyện “chướng tai gai mắt” khác, có chuyện rất nhỏ nhưng lại sát sườn với người dân, nếu được chính quyền xử lý nhuần nhuyễn sẽ giảm thiểu tác động đến cộng đồng.
Ngược lại, chính quyền lúng túng, không xử lý được vì những lý do như thiếu quy định, không đủ thẩm quyền, đặc biệt là sợ trách nhiệm rồi đùn đẩy, kể cả thiếu kinh nghiệm… xem như người dân lãnh đủ.
Nhưng để có thể xử lý chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của người dân, cơ quan chức năng phải “vắt óc”, sử dụng tối đa nhân lực, vật lực, các quy định của pháp luật để thực thi trách nhiệm của mình, Như mới đây, trước hàng loạt tin giả về dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã mở chiến dịch làm chủ mặt trận thông tin. Kênh thông tin chính thống bác bỏ tin giả, tin xàm đã giúp cởi bỏ ám ảnh lo sợ dịch bệnh của cộng đồng. Nếu không có những kênh thông tin này, người dân sẽ hoang mang, việc phòng chống dịch càng khó khăn hơn.
Chắc chắn nhiều người thích hành động quyết đoán để ổn định giá khẩu trang của chính quyền, và không hài lòng vì liên tục nói hạ nhiệt nhưng giá thịt heo vẫn ngất ngưởng. Rất mong tới đây sẽ có nhiều hành động quyết đoán như thế. Có quyết đoán mới mang lại hiệu quả, khi đó dân sẽ tin.
Nguồn: tuoitre.vn