6 giải pháp thay thế ứng dụng Zoom nếu lo ngại vấn đề bảo mật an toàn dữ liệu
7 min readGần đây, khá nhiều các thông tin về tính riêng tư khi sử dụng Zoom bị rò rỉ, và động thái lớn nhất cho việc này chính là Google cấm nhân viên sử dụng ứng dụng Zoom trên máy tính của công ty. Kèm theo đó là các hãng công nghệ lớn như Tesla hay cả chính phủ Đài Loan cũng đã chính thức cấm sử dụng Zoom sau những lùm xùm về bảo mật của công cụ này.
Như vậy, nếu bạn là một người khá quan tâm về tính bảo mật thì việc bắt đầu sử dụng các lựa chọn họp và làm việc tại nhà thay thế Zoom là điều nên làm, sau đây sẽ là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo.
Skype Meet Now
Là tính năng được Microsoft bổ sung hồi đầu năm cho Skype. Skype Meet Now cho phép người dùng bắt đầu trò chuyện video với người khác ngay lập tức, ngay cả khi người kia không có tài khoản Skype. Skype sẽ tạo ra một liên kết mời mà bất cứ ai cũng có thể truy cập để bắt đầu cuộc họp ngay lập tức. Tính năng này có sẵn cho cả thiết bị di động và máy tính để bàn.
Hãy nghĩ nó giống như một cuộc gọi hội nghị video với Skype nhưng đi kèm liên kết tồn tại trong một khoảng thời gian. Người dùng chỉ cần tạo một liên kết và chuyển nó đến những người cần tham dự cuộc họp. Khi họ nhấp vào liên kết, họ sẽ được đưa tới Skype hoặc Web nếu thiết bị đó không có ứng dụng Skype.
Mặc dù rút gọn nhiều thao tác nhưng Meet Now vẫn cung cấp một số tính năng thiết yếu của Skype. Cụ thể, người dùng có thể ghi âm cuộc gọi để xem lại sau và thậm chí làm mờ nền trước khi nhảy vào cuộc hội nghị video để tránh những thứ phía sau lưng làm ảnh hưởng đến trải nghiệm. Thậm chí họ có thể chia sẻ màn hình và hiển thị các bài thuyết trình hoặc slide.
Cisco Webex
Cisco WebEx còn có thể hoạt động trên những đường truyền băng thông hạn chế với hình ảnh video độ nét cao, tiết kiệm chi phí, bảo mật thông tin chặt chẽ. Đây là dịch vụ khá lý tưởng trong việc chia sẻ, trình diễn tài liệu hoặc xem trực tiếp màn hình của các thành viên tham gia hoặc ghi lại toàn bộ hình ảnh và nội dung cuộc họp, các dữ liệu trong cuộc họp được kiểm soát một cách nghiêm ngặt và an toàn.
Cisco WebEx cũng cung cấp hình ảnh trực tuyến, chủ cuộc họp có thể theo dõi màn hình người tham dự cuộc họp, liệt kê các công việc cần thực hiện và phân việc ngay trên cuộc họp trực tuyến, ghi chép và lưu lại mọi tài liệu chia sẻ qua lại trong buổi họp để theo dõi và hoàn thành. Bên cạnh đó Cisco WebEx Meeting tích hợp tính năng nhắc nhở cuộc họp thông qua Microsoft Outlook Calendar.
StarLeaf
Vốn được thiết kế cho các công ty quy mô lớn, do đó những người dùng cá nhân sẽ ít có cơ hội nghe thấy cái tên Starleaf. Chính vì thế, việc sử dụng Starleaf thường thông qua hợp đồng hợp tác, thay vì mua bản quyền cho một hay hai máy tính đơn lẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây Starleaf đã bắt đầu cung cấp phiên bản ứng dụng miễn phí dành cho người dùng cơ bản, cho phép tiến hành các cuộc họp trực tuyến tối đa 20 người trong 46 phút.
Ưu điểm của Starleaf chính là không vướng quảng cáo, ít tính năng “rác”, và đặc biệt an toàn về khía cạnh bảo mật thông tin.
Jitsi Meet
Jitsi Meet cho phép người dùng khởi động cuộc họp nhanh chỉ bằng cách vào trang web và nhấn “Go”. Thêm vào đó, nếu muốn tự phát triển phiên bản ứng dụng riêng cho tổ chức và doanh nghiệp, người dùng có thể sử dụng Jitsi Videobridge. Đơn giản vì đây là nền tảng sử dụng mã nguồn mở nên nó hoàn toàn miễn phí đối với tất cả mọi người.
Mặc dù miễn phí và là nguồn mở nhưng việc sử dụng Jitsi Meet khá bảo mật, thêm vào đó nó khá đơn giản để thao tác, ngoài ra bạn còn có thể ghi lại nội dung họp (chuyển thẳng vào Dropbox) hay “đá bay” những thành viên họp gây mất trật tự.
Jitsi Meet hỗ trợ tối đa 75 người họp cùng lúc (35 người để có chất lượng kết nối tối ưu), cho phép tiến hành họp nhóm riêng khi cần, có thể tương tác với Slack, Google Calendar và Office 365. Hiện nay, Jitsi Meet cũng đang thử nghiệm tính năng làm mờ nền tương tự như Skype Meet Now.
Whereby
Whereby không hoàn toàn miễn phí tất cả tính năng cho người dùng. Cụ thể, nó chỉ cho phép người dùng sử dụng phòng họp đơn với tối đa 4 người tham gia, nhưng có kèm cơ chế “khóa cửa” (buộc người muốn tham gia thêm phải xin phép quản trị). Mỗi phòng họp sẽ có đường dẫn riêng để tham gia nhanh (tương tự Zoom).
Mặc dù vậy, Whereby cũng có một số tính năng khá hay như cho phép chia sẻ màn hình, tắt tiếng hoặc từ chối tương tác với một thành viên cụ thể, sử dụng các biểu tượng cảm xúc (emoji), tương tác với YouTube… Phiên bản thu phí (Pro) của Whereby (9,99 USD/tháng) cho phép họp 12 người/phòng và tối đa ba phòng họp.
Google Hangouts
Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu nhưng có vẻ Google Hangouts không được Google quảng bá rộng rãi như Hangouts Meet – một phần trong bộ công cụ G Suite của hãng – dành cho người dùng có thu phí và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Hangouts miễn phí vẫn cho phép các cuộc đàm thoại hình ảnh 10 người, nhắn tin văn bản và chia sẻ nội dung màn hình. So với các giải pháp ở trên, Hangouts tuy không phong phú tính năng, nhưng đổi lại khá nhỏ gọn và dễ sử dụng. Một điểm mạnh không thể bỏ qua của dịch vụ này là cho phép họp chỉ âm thanh lên tới 150 người.
Nguồn: kenh14.vn